(HNMO) - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2019 tăng 6,98% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong vòng 9 năm gần đây.
Đây là một trong những thông tin quan trọng tại cuộc họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội 9 tháng do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 28-9.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, kết quả tăng trưởng nói trên rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới có nhiều vấn đề, tình huống bất lợi, đáng lo ngại.
Nhìn chung, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm gần đây, thị trường ổn định và dồi dào về nguồn cung. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người lao động có xu hướng tăng và an sinh xã hội được quan tâm thỏa đáng...
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02%, đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%. Đáng ghi nhận, ngành công nghiệp 9 tháng duy trì mức tăng trưởng cao 9,56% so với cùng kỳ. Ngành xây dựng cũng duy trì mức tăng trưởng khá là 8,33%.
Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang giữ vai trò chủ chốt, là động lực dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Trong khi đó, các ngành dịch vụ cũng có tỷ trọng đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, với hầu hết các ngành đều tăng trưởng khá. Cụ thể, bán buôn và bán lẻ tăng 8,31%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%; thông tin và truyền thông tăng 7,65% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 194 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Có 26 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và riêng các mặt hàng này chiếm tới 89,8% tổng kim ngạch xuất khẩu nói trên.
Trong 9 tháng qua, có gần 102.300 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 1,29 triệu tỷ đồng, tăng 5,9% về số lượng doanh nghiệp và 34% về vốn so với cùng kỳ. Quy mô vốn trung bình mỗi doanh nghiệp mới thành lập đạt 12,6 tỷ đồng/đơn vị. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, 81,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay ổn định và tốt hơn quý trước.
Song, nền kinh tế cũng bộc lộ một số tồn tại, điểm yếu cần được nhận diện, khắc phục sớm. Đó là: Kết quả giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng bên cạnh chi phí vận tải có xu hướng gia tăng; bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chăn nuôi; hậu quả của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở và diễn biến thời tiết bất thường cũng đe dọa tới khả năng tăng trưởng thới gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.