(HNM) - Theo số liệu từ Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, tính đến đầu năm 2018, toàn mạng lưới xe buýt của Hà Nội có hơn 2.900 điểm đón, trả khách.
Điều đó cũng có nghĩa, trên 80% hành khách khi lựa chọn loại hình giao thông công cộng này đang phải hằng ngày “đội mưa, đội nắng” tại các điểm chờ xe. Đây chính là một trong những lý do khiến nhiều người e ngại mỗi khi lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển.
Điểm chờ xe buýt không mái che trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu. |
Dạo một vòng qua các điểm dừng chờ xe buýt trong khu vực nội thành, đâu đâu cũng gặp cảnh hành khách chen chúc; người đứng, kẻ ngồi trên vỉa hè, thậm chí tràn xuống cả lòng đường. Ngay cả những tuyến đường có lưu lượng người tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng khá cao như đường 32 - Hồ Tùng Mậu - Cầu Giấy; đường Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long; tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài... thì việc hành khách phải đợi xe buýt trong cảnh "dãi nắng dầm mưa" là chuyện thường ngày.
Bà Trần Thị Liên (ở đường Phạm Văn Đồng) cho biết: "Nhà tôi nằm ngay dưới chân cầu vượt Mai Dịch nên nhiều khi muốn đi xe buýt cho thuận tiện. Song tôi lại ngại vì điểm dừng chờ xe buýt dọc tuyến này hầu hết đều không có mái che; chưa kể, tại một số điểm hành khách phải đứng dưới lòng đường để đợi xe, rất nguy hiểm".
Nội thành đã vậy, tại các tuyến ngoại thành, điểm dừng chờ xe buýt không mái che càng trở nên phổ biến. Tại một số tuyến giao thông lớn như quốc lộ 1A (cũ); quốc lộ 21B, quốc lộ 32 hướng Sơn Tây - Ba Vì… hầu hết các điểm dừng chờ được bố trí ngay sát lòng đường, hành khách đợi xe buýt không chỉ chịu cảnh bụi bặm mà còn trong tâm thế phải tìm cách tránh các phương tiện khác vì nếu chểnh mảng rất dễ bị tai nạn.
Trong lần phát biểu trước báo chí vào tháng 3-2018, đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội chia sẻ những bất cập trong việc phát triển hệ thống nhà chờ xe buýt, cả từ khâu quy hoạch đến thái độ của người dân. Theo đó, dù xem việc phát triển hệ thống giao thông công cộng là mục tiêu quan trọng của giao thông đô thị trong tương lai, song khi mở rộng hạ tầng giao thông, các nhà quản lý lại “quên” đưa các điểm dừng chờ xe buýt vào quy hoạch.
Các tuyến đường xe buýt đi qua phần lớn đều không có đường dẫn hoặc “vịnh” giao thông riêng, mỗi khi đón khách tại điểm dừng chờ, xe buýt phải dừng ngay dưới lòng đường, cắt ngang các dòng phương tiện khác. Bên cạnh đó, tâm lý coi vỉa hè, lề đường như “của riêng” đã hằn sâu trong suy nghĩ của khá nhiều người, đặc biệt với những người sống tại mặt tiền các tuyến đường.
Vì thế, nhiều trường hợp sau khi khảo sát, ra quyết định đầu tư nhưng không thể lắp đặt do các hộ có nhà ở mặt đường phản ứng dữ dội với lý do nhà chờ sẽ chắn mặt tiền, gây khó khăn cho việc kinh doanh của họ. Mặt khác, công tác duy tu, bảo dưỡng, vệ sinh tại các nhà chờ chưa được quan tâm đúng mức khiến nhiều nơi bị xuống cấp và "bủa vây" bởi rác thải, thậm chí thành nơi lý tưởng của những người bán hàng rong…
Rõ ràng, điểm dừng chờ xe buýt không chỉ có vai trò kết nối giữa các tuyến xe, mà còn kết nối xe buýt với các loại hình vận tải khác. Đã đến lúc các nhà quản lý cần có quy hoạch cụ thể cho hệ thống này, đồng thời xã hội hóa việc xây dựng nhà chờ xe buýt bằng cách biến nơi này thành các điểm quảng cáo của các nhãn hàng, các doanh nghiệp…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.