Một trong những tuyệt tác của danh họa Leonardo da Vinci, đó là bức phác họa được ông thực hiện ở đầu thế kỷ 16, trước nay, người ta vẫn cho rằng đó chính là bức tự họa của ông.
Bức phác họa đó ban đầu được thực hiện bằng phấn đỏ trên giấy trắng. Trải qua hàng trăm năm bị độ ẩm tấn công, tờ giấy đã chuyển sang màu ố vàng còn những nét phác họa cũng mất dần, tưởng như không có cách gì cứu vãn.
Leonardo Da Vinci đã dùng phấn đỏ để thực hiện bức phác họa. Đây được cho là một bức chân dung tự họa của chính ông. |
Tuy vậy, gần đây, nhờ vào những tiến bộ của khoa học mà người ta có thêm hy vọng về việc làm chậm quá trình mục ruỗng của bức vẽ này.
Các nhà khoa học đã phát triển được một công nghệ để nhận diện những tác nhân gây ra sự ố vàng cho tờ giấy vẽ mà không gây ảnh hưởng gì tới bản vẽ. Điều này sẽ giúp giữ gìn bức tự họa quý giá mà Da Vinci để lại.
Trước đây, khi khoa học chưa phát triển, bức vẽ này chỉ được cất giữ trong điều kiện bình thường, nó bị độ ẩm trong không khí tác động dẫn tới tình trạng ố vàng, các đốm nâu xuất hiện trên mặt giấy. Màu phấn vẽ cũng dần nhạt đi và biến mất khiến người ta không còn có thể chiêm ngưỡng bức phác họa một cách trọn vẹn như lúc mới được thực hiện.
Những chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, khôi phục những văn bản cổ đến từ Ý và Ba lan đã làm việc trực tiếp với bức vẽ nhằm làm chậm quá trình mục ruỗng của tác phẩm.
Để thực hiện được quá trình này, các nhà khoa học đã phát triển một công nghệ giúp nhận diện và xác định số lượng những phân tử hấp thụ ánh sáng, vốn được biết tới với cái tên khoa học chromophore, thường tồn tại rất nhiều trong các văn tự cổ, gây ra hiện tượng ố vàng đối với các trang giấy cổ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.