Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gặp những người cắm cờ giải phóng ngày 30-4

Nguyễn Năng Lực| 13/04/2013 07:27

(HNM) - Vào lúc 9h30 ngày 30-4-1975, một lá cờ giải phóng nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng năm cánh đã tung bay hiên ngang trên đỉnh cao tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất...

Chiến sỹ Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn cắm cờ trên đỉnh tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 30-4-1975.Ảnh: Việt Dương sưu tầm



Một lần, tôi hỏi Đại tá Đinh Quốc Kỳ, nguyên cán bộ bảo vệ chính trị nội bộ Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Đoàn B): Trong tấm ảnh ghi lại giờ phút lịch sử ấy có hai người cắm cờ, họ là ai? Đại tá cho biết, đó là Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn. Hai người chiến sỹ giải phóng đã cắm lá cờ ấy nay còn sống, một người ở Hà Nội, người kia ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong những ngày tháng tư lịch sử này, chúng tôi đã tìm gặp để nghe họ kể về những giây phút thiêng liêng hào hùng 38 năm trước.

Con ngõ 191 đường Lạc Long Quân (phường Xuân La, quận Tây Hồ) dài hun hút, hai bên nhà cửa, hàng quán san sát. Cuối con ngõ hẹp mở ra một khoảng không gian rộng, con đường chạy vòng quanh vườn hoa nhỏ. Chủ nhân căn hộ liền kề A20 khu tập thể Bộ Giáo dục - Đào tạo là người đàn ông gày gò, hoạt bát, nhanh nhẹn. Hôm trước, qua điện thoại, ông dặn: "Anh đến sớm, kẻo thứ hai tôi phải đi viện". Chứng thoát vị đĩa đệm hành hạ ông đã mấy năm, nay trở trời thêm phát tác. Ngày chủ nhật, tôi đến thăm, ông sai con ra vườn hoa chờ khách. Ông là Phạm Văn Lãi, cầm tinh con Rồng, sinh tháng 5 năm Nhâm Thìn 1952. Người tuổi Thìn thường giỏi giang, thông minh, hoạt bát, kiên trì theo đuổi mục đích, lý tưởng. Mới về hưu chưa đầy năm, ông Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính Văn phòng Chính phủ còn nhiều việc phải làm, nhiều mối quan hệ, ân tình phải trả, trong đó những quan hệ đồng đội thời 823 ngày đêm cắm giữa sào huyệt quân thù tại tiền đồn Trại Davis năm xưa bao giờ cũng chiếm nhiều thời gian của ông.

Quê ông ở xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Tôi trầm trồ: "Dân Thái Bình nhà ông chuyên đi cắm cờ, từ ông Tạ Quốc Luật ở Điện Biên Phủ thời đánh Pháp đến Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11h30 ngày 30-4-1975, đánh dấu sự cáo chung của chế độ ngụy Sài Gòn. Còn chuyện ông cắm cờ trên tháp nước cao chót vót trong sân bay Tân Sơn Nhất sáng sớm ngày 30-4 thì thế nào?".

Qua giọng kể hồ hởi của ông, đối chiếu với ký ức những nhân chứng lịch sử trong thời điểm ấy, tôi hình dung được giây phút hào hùng khi ông cùng người bạn chiến đấu cắm lá cờ giải phóng trên đầu thù.

Đêm 28, rạng sáng 29-4-1975, pháo tầm xa 130 ly của ta nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất, chặt đứt cầu hàng không, con đường di tản cuối cùng của ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn. Đạn pháo rơi cả vào sân Trại Davis, nơi Đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (Đoàn B) đóng quân ngay sát đường băng trong lòng địch. Hai đồng chí, Đại úy Nông Văn Hưởng (tức Kiên), cán bộ an ninh và Trung sỹ Nguyễn Văn Hòa, cảnh vệ gác cổng trại hy sinh, bốn đồng chí bị thương. Trước đó, khi chiến sự nổ ra, cán bộ, chiến sỹ ta tại Trại Davis đã xin cấp trên cho trụ lại trong lòng địch, sẵn sàng chiến đấu, tham gia giải phóng Sài Gòn. Ngày 20-4, ta bắt đầu đào hào chiến đấu, giữ bí mật không cho địch biết, ngay cả các bạn Ba Lan và Hungary trong Ủy ban Kiểm soát và Giám sát quốc tế cũng không biết. Ngày 26-4, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, năm cánh đại quân rầm rập tiến vào hang ổ cuối cùng của địch, hệ thống hầm hào chiến đấu trong đơn vị đã thông suốt. Anh em được trang bị cả súng AK và hơn 20 quả đạn chống tăng, do trực thăng ngụy "chuyển hộ" vào từ trước trong những "túi thư ngoại giao" theo chuyến bay liên lạc.

Thượng sỹ Phạm Văn Lãi khi ấy 23 tuổi, chiến sỹ Đội Chiếu phim, Ban Chính trị Đoàn B, nhớ lại:

- Ngày thứ bảy 26-4, không khí chuẩn bị chiến đấu trong trại khẩn trương, nhưng bộ đội ta vẫn bình tĩnh chờ lệnh. Hôm ấy, Đội Chiếu phim phục vụ anh em bộ phim "Giải phóng Châu Âu" của Điện ảnh Liên Xô, chiếu cả 5 tập liên tục. Đêm 28 rạng ngày 29, pháo ta nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất, đạn pháo rơi cả vào bãi chiếu phim. Khoảng 8h00 ngày 30-4, Thiếu tướng Trưởng đoàn Hoàng Anh Tuấn lệnh cho Trung tá Mười Sương, Trưởng ban Chính trị gọi tôi lên giao nhiệm vụ vào kho lấy lá cờ to nhất mang cho vệ binh cắm lên tháp nước.

Phạm Văn Lãi vào kho, tìm được lá cờ to nhất, bề rộng lá cờ bằng 4 khổ vải. Cứ theo tỷ lệ, có thể thấy lá cờ phải rộng hàng chục mét vuông. Phấn khởi vì được thủ trưởng tin cậy, với nhiệt tình cách mạng của tuổi trẻ, Lãi quyết định trực tiếp treo cờ. Anh ôm lá cờ vào người, chạy băng qua sân Trại đến tháp nước. Dọc đường, anh gọi cảnh vệ Nguyễn Văn Cẩn đi theo. Một đồng chí trong Ban Nghiên cứu dưới hào hỏi vọng lên: "Ai giao cho cậu treo cờ?", Lãi trả lời: "Đây là lệnh của thủ trưởng Phái đoàn và đã được Đảng ủy Đoàn quyết định". Lãi và Cẩn vừa chạy vừa quan sát, các anh nhặt được một đoạn ống nước làm cán cờ và hai sợi dây thép. Đến chân tháp nước, Lãi chui vào lồng bảo vệ trèo lên trước, Cẩn đeo súng ngắn K-54 theo sau. Lên đến đỉnh, Lãi buộc phía trên, Cẩn buộc phía dưới. Kiểm tra mối buộc xong, thấy chắc chắn rồi, Phạm Văn Lãi buông tay, lá cờ no gió mở ra "phật" một tiếng, cuồn cuộn tung bay trên điểm cao của thành phố Sài Gòn.

Tôi hỏi Phạm Văn Lãi:

- Lúc đứng trên đỉnh tháp buộc cờ, anh có nghĩ mình có thể nguy hiểm đến tính mạng không? Đứng trên cao, phía dưới còn địch, phơi mình như thế, anh có lo không?

Rất hồn nhiên, ông trả lời ngay:

- Ừ, cũng lạ, lúc ấy tôi chỉ lo buộc cờ sao cho chắc, chẳng nghĩ gì đến chuyện mình có thể trúng đạn, hy sinh cả anh ạ.

Lá cờ giải phóng no gió tung bay trên đỉnh cao trong sân bay Tân Sơn Nhất, từ xa hàng cây số đã nhìn thấy, vừa là vật chuẩn cho pháo binh ta tính toán phần tử bắn chính xác, làm chuẩn cho bộ đội tiến công, khích lệ bộ đội ta dũng mãnh xông lên. Quân địch ở Bộ Tổng Tham mưu ngụy tại cổng Phi Long cách đó gần 1 cây số, lính Sư đoàn dù, đơn vị tăng - thiết giáp ngụy đóng gần Trại Davis và tàn quân đang tháo chạy nhìn thấy lá cờ giải phóng, càng thêm hoảng loạn, tan rã.

Ngay chiều 30-4, Ủy ban Quân quản Sài Gòn được thành lập do Trung tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch. Nhiều cán bộ, chiến sỹ Trại Davis được điều về Ủy ban Quân quản. Phạm Văn Lãi cùng Ban Chính trị vào Dinh Độc Lập, được bố trí ở tầng 2. Sáng 1-5, anh được thủ trưởng giao nhiệm vụ trèo lên cột cờ Dinh Độc Lập, thay lá cờ anh Bùi Quang Thận cắm lúc 11h30 hôm trước. Lá cờ anh Thận cắm bị mắc dây, không mở ra được, cũng không hạ dây kéo xuống được. Cột cờ cao, trơn nhẵn, Lãi nhanh trí lấy dây dù buộc vào hai chân như kiểu bà con Nam bộ leo dừa, trèo lên gỡ dây rối, thay lá cờ mới to hơn, rộng hơn.

Sau ngày 30-4, Phái đoàn quân sự chấm dứt hoạt động, anh em mỗi người về một đơn vị mới theo chức năng, nhiệm vụ của mình, lo tiếp quản thành phố, trấn áp tàn quân địch, tổ chức tiếp nhận sỹ quan, binh lính ngụy ra trình diện, tham gia ổn định cuộc sống cho nhân dân và bảo đảm hoạt động bình thường của thành phố. Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn cũng bặt tin nhau. Lãi tiếp tục ở Ủy ban Quân quản, phục vụ các cuộc mít tinh, hội nghị hiệp thương thống nhất hai miền. Tháng 6-1975, anh được kết nạp vào Đảng và đến năm 1979, được điều về Văn phòng Chính phủ, được gần gũi, phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị.

Tháng 4 này, ông Phạm Văn Lãi đã về nghỉ hưu theo chế độ được 10 tháng sống vui vầy bên vợ con. Vợ ông, bà Vũ Thị Tuất là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Rau quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hai con ông, một trai, một gái đều công tác ở Văn phòng Chính phủ và đều trân trọng lịch sử hào hùng mà bố và những người đồng đội đã góp phần làm nên. Đến tháng 4-2012, ông Lãi mới liên lạc được với Nguyễn Văn Cẩn sau 37 năm bặt tin.
(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gặp những người cắm cờ giải phóng ngày 30-4

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.