Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gặp lại “ông già Nam bộ”

Thi Thi| 15/02/2013 08:11

(HNM) - Tập truyện "Hương rừng Cà Mau" của nhà văn Sơn Nam - người được mệnh danh là "ông già Nam bộ", vừa được NXB Trẻ ấn hành đầu năm 2013 dưới dạng một ấn bản đặc biệt dày hơn 900 trang. Đây cũng là lần tái bản đánh dấu 50 năm ra đời tác phẩm này (1962-2012).

"Hương rừng Cà Mau" nằm trong danh mục sách Sơn Nam gồm 20 tác phẩm thuộc tác quyền của NXB Trẻ và nhà văn Sơn Nam. Đó là những công trình đã đưa Sơn Nam vào hàng nhà văn lớn của đất nước, chứ không riêng gì Nam bộ, như "Nói về miền Nam, cá tính miền Nam và thuần phong mỹ tục Việt Nam", "Chuyện xưa tích cũ", "Vạch một chân trời", "Xóm Bàu Láng"…

Riêng "Hương rừng Cà Mau" (ra đời năm 1962) gồm 64 truyện, mà chỉ tên gọi thôi đã rõ sức mời gọi, hấp dẫn người đọc: "Cái tổ ong", "Cao khỉ U Minh", "Con sấu cuối cùng", "Người mù giăng câu", "Người tình của cô đào hát", "Hát bội giữa rừng", "Hồn người trong ly rượu"… Sự mời gọi không chỉ nằm ở những chuyện săn bắt hay chuyện sản vật kỳ thú ở vùng "dưới sông sấu lội - trên rừng cọp đua", mà là ở cái tình, là văn hóa đặc trưng của người Nam bộ, người Việt Nam. Cái tình qua giọng kể Sơn Nam cứ nhẹ nhàng giăng mắc khắp mặt nước, rừng cây và trong lòng người.

Trong tác phẩm này, bạn đọc gặp lại "Bắt sấu ở rừng U Minh Hạ" từng được đưa vào sách giáo khoa phổ thông. Ai yêu điện ảnh, biết đến phim truyện nhựa "Mùa len trâu" của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, giờ đây đọc "Mùa len trâu" của Sơn Nam mới hiểu chính là cội nguồn văn bản đầy sức hấp dẫn này đã tạo cảm hứng cho đạo diễn, góp phần làm nên thành công cho bộ phim. "Len trâu", theo tiếng Khmer là cho trâu đi tự do, ở đây là đưa trâu băng qua vùng ngập nước, tới chỗ cao ráo để kiếm cỏ ăn. Sơn Nam, thông qua nhân vật chú Tư, kể: "Từ Ba Thê cả bầy trâu len qua miệt Bảy Núi. Oai vệ lắm kìa! Voi đi một lần đôi ba chục con là cùng, cọp đi hai ba con là nhiều; cảnh đó ở miệt rừng ai cũng thấy.

Đằng này, trâu lội nước năm ba trăm con, đen đầu, đặc nước. Kiếm bạc trăm dễ chứ muốn thấy được cảnh đó không phải dễ, giống như thiên hạ sơ khai, càn khôn hỗn độn…". Mới đây, một nhà phát hành phim người Pháp gốc Việt là Trần Bích Quân khi tới dự Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ 2 (cuối năm 2012) cũng chỉ nhắc đến hai bộ phim của Việt Nam, trong đó có "Mùa len trâu". Phải nói, Sơn Nam đã kể trong "Mùa len trâu" cũng như trong những chuyện khác ở "Hương rừng Cà Mau" một câu chuyện đời sống không màu mè, có cái lam lũ, có cả sự kỳ vĩ của tự nhiên đầy sức hấp dẫn.

"Hương rừng Cà Mau" in xong và phát hành ngay đầu năm 2013, nhưng là công trình kỷ niệm 50 năm ngày ra đời của tác phẩm này (1962-2012). Có lẽ, tính đặc biệt nằm ở điều này, cùng với sự đầu tư về chất liệu giấy, công phu in ấn. Và, đặc biệt hơn cả phải là những thông điệp của tác phẩm qua hơn nửa thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị. Qua đây, bạn đọc như được gặp lại "ông già Nam bộ", người cất lời "Phong sương mấy độ qua đường phố/Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…". Đất quê không phải chỉ là miệt vườn Nam bộ, cho dù cả đời ông mới "nhích" từ Cà Mau lên tới  Sài Gòn. Bởi, như chính ông từng khẳng định, "không có người miền Nam mà chỉ có người Việt Nam".

Nhà văn Sơn Nam sinh năm 1926, mất năm 2008. Ông tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945, từng là Tỉnh ủy viên tỉnh Rạch Giá. Suốt cuộc đời mình, ông làm báo, viết văn, khảo cứu về Nam bộ. Sơn Nam được bạn đọc yêu mến, đặt biệt danh là "Nhà Nam bộ học" hay "ông già Nam bộ".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp lại “ông già Nam bộ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.