(HNM) - Cuối những năm 1990, thơ Bình Nguyên Trang đã trở thành một phần thân thuộc của đời sống sinh viên, được chép trong không biết bao nhiêu cuốn sổ tay thuở giảng đường.
Nhà thơ Bình Nguyên Trang. |
- “Không thể gửi về cho bạn một màu hoa/ Tím như màu chiều hoang ven bờ nỗi nhớ/ Giọt nước mắt mười lăm thường là dễ vỡ/ Hoa bìm bìm im lặng hóa thơ”… Những câu thơ của một thời sinh viên ấy cho đến giờ vẫn được nhiều bạn đọc lưu giữ, truyền nhau. Liệu chị có định gom nó lại như một hồi ức đẹp hay không?
- Quả thực, đó là những vần thơ học trò một thời rất đẹp. Cho đến nay bạn đọc trẻ còn lưu giữ nó trong cả ký ức lẫn trên các trang mạng, trong khi tôi chẳng còn một bản thảo nào thì quả thực là điều vô cùng đáng quý. Tôi cũng dự định năm tới sẽ tập hợp, in lại một cách chu đáo để đem tặng cho các bạn trẻ yêu thơ, nhất là các bạn học sinh, sinh viên ở những vùng ít được tiếp cận với sách, báo. Mong muốn là thế, song cũng có lúc ngần ngại, ngỡ như mình cứ ôm mãi chút “hào quang quá khứ”…
- Lẽ thường, ấn tượng quá khứ cũng là thứ bắt đầu khi người ta nói về nhau. Tôi cũng đi tìm những “màu hoa” thuở học trò trong những tập thơ mới của chị. Nhưng rõ ràng, đã khác rồi trong cả đề tài, lẫn cách thể hiện… Chị tự thấy viết thơ hôm nay có tự nhiên như thuở trước, có phải bận đầu vì lo đổi mới?
- Đã 20 năm rồi mà, tôi - một cô bé từ quê ra phố, va đập với thị thành, vất vả học hành, tìm việc, rồi lại cũng tất bật mưu sinh như bao người trẻ tuổi khác. Những đề tài đi vào thơ cũng vì thế mà “lớn” dần lên, mang trong đó những băn khoăn, ưu phiền và cả những vui buồn của đời sống. Công việc sáng tác có thể nặng nề trong suy nghĩ, nhưng khi viết ra thì vẫn tự nhiên, nhẹ nhàng như trước đây. Giống như trong thơ, tôi không “bận đầu lo đổi mới” như bạn hỏi. Cách tân đối với tôi là một khái niệm mơ hồ. Những gì rất “đầy” trong mình, tự nó sẽ vang lên và tự nó sẽ tìm một hình thức thể hiện cho phù hợp, “vừa vặn”. Cùng với thời gian, sự thay đổi có chăng thì chính là cách tư duy của mình trước cuộc sống đã thay đổi. Nhưng tôi biết rằng, những gì tôi viết hôm nay luôn là sự “kế thừa mình” trước đó.
- Có lẽ sự kế thừa nằm ở nỗi lòng luôn nhớ về miền quê trong ký ức, ở nỗi buồn rất “già” ngay trong thơ thuở mười tám, đôi mươi của chị?
- Mỗi người viết đều có một vùng đất riêng trong ký ức, nhiều khi không thể vượt qua được, nó luôn mời gọi mình. Có người bảo tôi sao ra thị thành cũng lâu rồi mà những truyện trong “Mùa đom đóm mở hội” vẫn cứ “liên quan” nhiều đến chốn làng quê thế? Thì bởi tôi chính là người nhà quê, đã sinh ra và gắn bó với làng quê. Càng đi xa tôi càng thấy mình may mắn vì có một vùng quê để trở về, không chỉ về với cánh đồng, cây gạo… mà là về với cái chân chất, nguyên thủy, nhân hậu nhất của con người. Không ít người nghĩ rằng phải viết về thành thị mới là “mốt”, thật ra người viết khôn ngoan nhất là những người chọn viết điều mà mình thân thuộc nhất.
- Có lúc người ta đề cập tới nguy cơ đứt gãy với đời sống của những người viết trẻ và bàn cách để đưa các nhà văn đi thực tế nhiều hơn… Chị nghĩ gì về điều này?
- Nguy cơ ấy là có thật. Bởi lẽ văn chương có cái mặt ồn ào, ảo tưởng của nó. Mà người viết trẻ thì lắm khi nóng vội, lại thêm chưa đủ trải nghiệm, vốn sống để tạo nên những trang viết có chiều sâu. Tôi ý thức rằng, phải sống tận cùng với chính mình, trải nghiệm tận cùng những buồn, vui của đời sống may ra mới làm ra được cái Thật trong tác phẩm. Những “chuyến đi” thực tế ý nghĩa nhất là việc của mỗi cá nhân người viết. Đó không chỉ là những chuyến đi cơ học mà còn là những chuyến đi trong tinh thần. Nó cũng không phải là những chuyến đi định lượng thời gian như một tuần, một tháng hay một năm mà sẽ phải là định lượng sống của người viết với cuộc đời này.
- Nhưng làm thế nào để đi bình thản thế trong khi quanh chị rộn rã nhiều gương mặt trẻ viết thơ, viết truyện, ra sách ào ào…? Lâu lâu chị mới ra sách, mà ra rồi cũng không thấy “PR”?
- (Cười), tôi thật sự trân trọng những cây viết trẻ quanh mình, chưa biết hay dở đến đâu, nhưng rất nhiều người chịu khó dấn thân. Tôi cũng nghĩ quảng bá cho độc giả biết đến tác phẩm của mình trong một rừng tác phẩm như hôm nay cũng là điều tốt, chỉ có điều đừng làm quá lên thôi. Phần tôi, thật tình thấy mình chưa có đóng góp gì nhiều, cũng lại hay lo ngại trước những gì ồn ào quá. Tôi đã từng qua thời 20 sôi nổi, nhiều mơ tưởng và cả ảo tưởng nữa và tự nghĩ nếu thấy mình vẫn còn trẻ thì phải học cách bình tĩnh để nhìn mình, nhìn cuộc đời có chiều sâu. Thật ra, cũng không có gì phải sốt ruột vì trong văn chương cũng như trong cuộc đời, người đi tìm vàng thì nhiều, nhưng người tìm được vàng thật bao giờ cũng ít.
- Nhà báo phải nhanh, nhà văn lại cần sống chậm, còn nhà thơ thì không thể kiếm ra tiền. Trong ba nhà ấy, chị nặng lòng với nhà nào hơn?
- Tôi làm báo là làm nghề, cái nghề đủ để say mê và nuôi sống mình, bên cạnh đó, viết văn là để “giải cứu” một đời sống khác, sâu hơn và cao hơn. Viết nhiều thể loại, nhưng dường như với tôi, Thơ ca vẫn cứ là chỗ bấu víu tinh thần lớn nhất.
- Xin cảm ơn chị, chúc chị nhiều thành công!
Bình Nguyên Trang tên thật là Vũ Quỳnh Trang, sinh năm 1977 tại Phú Thọ, quê gốc ở Nam Định. Hiện chị làm việc tại chuyên đề Văn nghệ Công an của Báo Công an Nhân dân. Đã xuất bản: Lối về (tập thơ, 1995); Chuyến tàu thời gian (tập truyện, 2000); Chỉ em và chiếc bình pha lê biết (tập thơ, 2003); Những bông hoa đang thiền (tập thơ, 2012); Sông của nhiều bờ (tập ký chân dung, 2012). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.