Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gặp hai người bạn sống chết với Việt Nam

ANHTHU| 24/08/2004 14:22

Ông Henri Martin và bà Raymonde Dien không thể kết thúc cuộc gặp gỡ thân mật vào 11 giờ trưa ngày 23.8 tại trụ sở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM theo như lịch trình. Vòng trong, vòng ngoài, những người bạn Việt Nam  vây quanh họ, xin chữ ký, tặng thơ, tặng hoa cho họ...

Ông Henri Martin và bà Raymonde Dien cùng các bạn trẻ tại Tp HCM

Ông Henri Martin và bà Raymonde Dien không thể kết thúc cuộc gặp gỡ thân mật vào 11 giờ trưa ngày 23.8 tại trụ sở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM theo như lịch trình. Vòng trong, vòng ngoài, những người bạn Việt Nam  vây quanh họ, xin chữ ký, tặng thơ, tặng hoa cho họ...

Một bạn trẻ cầm trong tay xấp dày những bản photocopy mẩu thông tin trích từ báo Pháp có bức hình Bác Hồ đón tiếp ông Henry Martin và bà Raymonde Dien tại Việt Nam  năm 1956 để nhờ hai người ký tên lưu niệm. Dòng tin ghi: "Một biểu tượng: Năm 1956, Henri Martin đã được ông Hồ Chí Minh đón tiếp ở Việt Nam. Trong ảnh, phía trái là chị Raymonde Dien - một chiến sĩ  hoà bình từng  bị chính quyền bắt giam vì đã  dũng cảm nằm trên đường ray xe lửa ngăn cản tàu chở binh lính Pháp và vũ khí từ Tour sang Việt Nam tham chiến.

Lúc đó những người trong đoàn biểu tình đã viết bài hát "Henri Martin và Raymonde Dien  không muốn bắn giết người Việt Nam". Ông Võ Văn Sung - đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Pháp chìa bức  ảnh trắng đen chụp ông, bà Raymonde Dien, ông Nguyễn Cơ Thạch - cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Paris năm 1973 sau những ngày diễn ra Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh  lập lại hòa bình ở Việt Nam cho bà Raymonde Dien xem, hỏi vui:  "Này, bà bạn, sao trong ảnh lúc đó bà lại liếc mắt nhìn tôi vui như vậy nhỉ?".

Bà Raymonde cười: "Ôi, chúng ta lúc đó  đều vui mừng nghĩ tới chiến thắng sắp đến gần cho những người dân Việt Nam!". "Thưa bà Raymonde Dien, vì sao suốt từ 1956 cho mãi đến tận giờ bà mới sang Việt Nam?", chúng tôi hỏi. Bà Raymonde dừng bút ký, giọng nghẹn  ngào: "Tôi có gia đình. Tôi đi làm và nuôi dạy con cái, rồi 4 đứa cháu. Nói chung cũng vì hoàn cảnh gia đình tôi không có điều kiện về Việt Nam. Dù  vậy, sau khi ra tù tôi vẫn luôn ủng hộ  cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam.
Bằng nhiều cách, sau này, tôi tìm kiếm, nghe thông tin về Việt Nam...".

Tiến sĩ Lương Bạch Vân -Tổng Thư ký Hội Hữu nghị  Việt-Pháp TPHCM trả lời hộ bà bạn: "Sau chiến tranh, một thời gian dài,  chúng ta ngồn ngộn việc phải làm, chưa có điều kiện mời những người bạn có thể nói là sống chết với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sang thăm lại Việt Nam. Nay, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam đứng ra mời Henri Martin và Raymonde Dien tới thăm  nhân dịp 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và dự lễ kỷ niệm 59 năm Quốc khánh tại Hà Nội (22.8-4.9). Ông Henri đi với vợ. Bà Raymonde với con gái Catherine.

Catherine nói với tôi: "Thế hệ chúng tôi cần phải biết Việt Nam nhiều hơn nữa". "Các bạn Việt Nam vẫn nhớ chúng tôi - ông Henri vui vẻ nói - năm ngoái (ngày 16.1.2003), nhân kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam  có tặng tôi một kỷ niệm chương. Năm mươi năm trước, còn là một anh lính hải quân Pháp, tôi cứ ngỡ sang Việt Nam là để giúp Việt Nam chống phát xít Nhật. Nhưng khi hiểu rằng  Pháp đang xâm lược Việt Nam, tôi phản chiến và cũng bị đi tù như bà bạn Raymonde. Về vị trí trong Đảng Cộng sản Pháp của tôi: Nguyên Uỷ viên Trung ương. Tôi cũng là nguyên Uỷ viên đoàn Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt".

Trao tặng ông Henri Martin và bà Raymonde Dien biểu tượng của LH các Tổ chức Hữu nghị TPHCM, ông Lê Chí Thành - Phó chủ tịch LH nói: "Sự nhiệt tình, tấm lòng của hai ông bà Henri Martin và Raymonde Dien với Việt Nam chắc chắn sẽ được giới trẻ Pháp tiếp nối, vun đắp tình hữu nghị giữa hai đất nước".

Chiều 23.8, UBND TPHCM đã tiếp thân mật ông Henri Martin và bà Raymonde Dien, trao tặng họ Huy hiệu TPHCM - tương đương danh hiệu Công dân Danh dự của TP.

Lâm Tuyền (LĐ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp hai người bạn sống chết với Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.