(HNM) - Dự án (DA) đường vào cụm 3 trường học: Mầm non Tuổi Hoa, Tiểu học Thanh Xuân Nam và Trường THCS Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) được UBND thành phố phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư từ tháng 7-2002.
Dù đã giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai. |
Cụm 3 trường học Thanh Xuân Nam nằm khá sát nhau, tiếp giáp với đất của phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) và xã Tân Triều (huyện Thanh Trì). Nhiều năm trước, lối ra vào đây là các ngõ, ngách ngoằn ngoèo trong khu dân cư với chiều rộng chỉ hơn 1m. Để tạo điều kiện cho HS đến lớp, từ tháng 8-2014, một tuyến đường tạm đã được UBND quận Thanh Xuân cũng như chủ đầu tư (CĐT) Khu đô thị mới (KĐTM) Hạ Đình đưa vào sử dụng.
Tuyến đường bắt đầu từ cuối ngõ 214 đường Nguyễn Xiển chạy qua KĐTM Hạ Đình để vào cụm 3 trường học của phường Thanh Xuân Nam. Vấn đề ở chỗ, con đường này thuộc hạ tầng KĐTM Hạ Đình và đang trong quá trình xây dựng. Do lượng HS đông (năm học 2015-2016, 3 trường đón nhận, giảng dạy hơn 6.000 HS), cùng với phụ huynh đưa đón hằng ngày nên tình trạng tắc đường vẫn diễn ra, đặc biệt là nguy cơ mất an toàn cao khi công trường thi công.
Dự án (DA) đường vào cụm 3 trường học này được UBND thành phố phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư tại Quyết định 4702/QĐ-UB ngày 4-7-2002. Ngày 22-3-2004, UBND thành phố ra Quyết định 1568/QĐ-UB thu hồi 35.758m2 đất tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) và các phường Hạ Đình, Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân), tạm giao Ban Quản lý dự án (QLDA) quận Thanh Xuân điều tra, lập phương án giải phóng mặt bằng (GPMB), chuẩn bị thực hiện DA đầu tư xây dựng tuyến đường.
Theo đó, UBND quận Thanh Xuân đã phối hợp UBND huyện Thanh Trì thực hiện GPMB. Do chưa được UBND thành phố bố trí vốn, ngày 5-1-2006, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành quyết định ứng từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất năm 2003 để chi trả đền bù GPMB. Đến ngày 13-1-2006, quận đã chi trả tiền và thu hồi 11.798m2 đất nông nghiệp trên địa bàn xã Tân Triều. Từ năm 2006 đến 2008, do có vướng mắc về công tác GPMB; khó khăn về quỹ đất tái định cư (TĐC); cộng thêm khó khăn về vốn, DA rơi vào bế tắc.
Ngày 1-9-2009, UBND thành phố có Văn bản 8510/UBND-KH&ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu theo hình thức hợp đồng BT. Nhà đầu tư được đề nghị là Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông đã thực hiện khảo sát, đo đạc, xin chỉ giới.
Qua khảo sát, DA cần 750 tỷ đồng, trong đó nhu cầu nhà TĐC cần bố trí cho khoảng 600 hộ. Kinh phí đầu tư cho DA quá lớn, lại chưa có DA đối ứng, cộng thêm kinh tế suy thoái trong những năm gần đây nên một lần nữa dự án hạ tầng giao thông vào khu vực 3 trường học Thanh Xuân Nam tiếp tục gặp khó.
Ngày 19-3-2013, UBND thành phố đã ban hành văn bản về việc tiếp tục triển khai đầu tư DA tuyến đường vào cụm 3 trường, giao UBND quận Thanh Xuân làm CĐT bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Ban QLDA quận Thanh Xuân cho biết: Qua khảo sát thực tế, tiến hành rà soát các DA có thực hiện công tác GPMB trên địa bàn quận, cuối năm 2015, UBND quận có tờ trình gửi Sở KH-ĐT xin phê duyệt chủ trương đầu tư DA đường vào cụm 3 trường Thanh Xuân Nam với quy mô 3 tuyến đường khả thi nhất cho cụm giáo dục trên...
Đến ngày 19-4-2016, Văn phòng UBND thành phố có Văn bản số 2910/VP-KT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản về việc rà soát báo cáo UBND thành phố phê duyệt danh mục các DA đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020) để làm cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư DA các tuyến đường, trong đó có DA đường vào cụm 3 trường Thanh Xuân Nam. Như vậy, dù đã có ý kiến của thành phố, song dự án sẽ vẫn còn phải chờ đợi, con đường đến trường của các em HS cụm 3 trường học Thanh Xuân Nam chắc chắn chưa thể hoàn thành trong tương lai gần!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.