Việc sản phẩm bánh phở của Công ty CP thực phẩm Bích Chi, trụ sở tại thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) xuất sang Nhật Bản bị cơ quan giám sát nước này thông báo có chất GMO (một loại chất biến đổi gene) hơn 1 tháng qua đã ảnh hưởng tới thương hiệu gạo và các sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của Trung tâm Kỹ thuật - Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 3 kết luận: “Các mẫu nguyên liệu làm bánh phở của Công ty Bích Chi xuất sang Nhật Bản không có chất GMO”.
Gạo Việt Nam không chứa GMO như thông báo ban đầu. Ảnh: TNLinh.
Trong cuộc họp xuất khẩu gạo ngày 5/12 tại Tiền Giang, VFA khẳng định, gạo Việt Nam không có chất GMO và đã gửi công văn thông báo đến các cơ quan liên quan của Nhật Bản.
Ngoài ra, thông tin mới nhất từ Cục An toàn y tế và thực phẩm Nhật Bản, các Sở Kiểm dịch nước này đã có sự điều chỉnh chất biển đổi gene (GMO) được tìm thấy là chất CpTI, thay vì Cry I Ac như thông báo trước đây. Đối tác nhập khẩu bánh phở từ Nhật Bản cũng cho biết, Sở Kiểm dịch nước này đã cho phép tiêu thụ 320 thùng bánh phở trong số 970 thùng bị giữ lại trước đó. Ngoài ra, khách hàng Nhật Bản tiếp tục đặt hàng và Bích Chi đã sản xuất lô hàng mới cùng nguyên liệu như lô hàng đã được thông quan, kiểm phẩm, tiêu thụ tại Nhật Bản.
Theo Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA, trong một tháng qua, các doanh nghiệp chủ yếu giao gạo theo hợp đồng tập trung cho Indonesia (300.000 tấn) và Malaysia. Số lượng ký mới rất thấp và thiếu các hợp đồng thương mại, trong khi hàng loạt hợp đồng thương mại ký từ trước lại bị hủy, giá xuất khẩu giảm khoảng 30 - 40 USD/tấn… Đây là nguyên nhân khiến giá lúa gạo trong nước đang giảm.
VFA cho rằng, cần phải giữ giá gạo cao, vì trong năm 2012 xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ giảm mạnh (từ 10 triệu tấn xuống còn khoảng 8 triệu tấn), Việt Nam cần có kế hoạch lắp vào khoảng trống này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.