(HNM) - Ở nước ta gạo tám được sản xuất ở nhiều nơi nhưng gạo tám Hải Hậu (canh tác tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) được nhiều người biết đến hơn cả. Từ xa xưa gạo tám ở đây đã được chọn để tiến vua, ngày nay sản phẩm vẫn được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và là mặt hàng xuất khẩu quan trọng.
Cây lúa tám Hải Hậu là loại đặc sản của vùng châu thổ sông Hồng. Do đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất Hải Hậu cùng cách chọn giống và canh tác công phu của nông dân đã tạo ra được loại gạo tám Hải Hậu đặc sắc. Gạo tám Hải Hậu hạt nhỏ dài, nấu cơm rất mau chín, cơm tám màu trắng xanh, dẻo, mùi thơm dịu, có hàm lượng chất bổ cao. Độ mềm cùng với mùi thơm đặc trưng của những hạt gạo tám thơm góp phần tăng thêm cảm giác ngon miệng trong bữa cơm gia đình.
Gạo tám Hải Hậu có hai loại, đó là tám cổ ngỗng và tám xoan. Tám cổ ngỗng không kén đất trồng, hương vị không thơm dẻo bằng gạo tám xoan. Còn gạo tám xoan phải trồng ở những nơi ruộng bùn pha cát, kề bên bờ sông, khi mưa dầm không úng, nắng hạn không khô cho hạt gạo “mỏng mày hay hạt”, thon, dài, mỏng mình. Mùa thu hoạch gạo tám chỉ có một lần trong năm vào tháng Mười âm lịch.
Sản phẩm gạo tám Hải Hậu cung cấp nhiều năng lượng, đồng thời bổ sung một lượng protein, vitamin và các chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Sản phẩm gạo tám xoan Hải Hậu được bán tại các chợ, siêu thị, sàn thương mại điện tử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.