Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gánh nặng lời hứa

Đình Hiệp| 03/06/2010 06:12

(HNM) - Chính trường Nhật Bản vừa trải qua cơn sốc khi Thủ tướng Yukio Hatoyama, Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền bất ngờ tuyên bố từ chức sáng 2-6, vì không thực hiện lời hứa di dời căn cứ không quân Futenma của Mỹ ra khỏi đảo Okinawa.

Giới bình luận và những người quan tâm tới chính trường Nhật Bản có chung nhận định, việc từ chức của Thủ tướng Y.Hatoyama là một sự kiện đã được dự báo. Đặc biệt sau một loạt biến cố từ bê bối tài chính nội bộ đến những khúc mắc trong quan hệ Nhật - Mỹ cũng như lời hứa với cử tri khiến tỷ lệ ủng hộ nội các liên tục giảm, từ mức hơn 70% khi mới nhậm chức (tháng 9-2009) xuống còn dưới 20% trong tuần qua. Kết cục đáng buồn trong 24 giờ qua với người đứng đầu nội các Nhật Bản cho thấy bất đồng ngày một tăng trong liên minh cầm quyền. Và làn sóng phản đối của cử tri Nhật Bản về căn cứ không quân Futenma của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ ở tỉnh Okinawa đã chấm dứt tất cả. Lời hứa của người đứng đầu nội các Nhật Bản với cử tri về việc di chuyển căn cứ quân sự Mỹ trước khi tranh cử không chỉ là một gánh nặng.

Thủ tướng Y.Hatoyama ra đi quá nhanh khiến dư luận chưa quên chiến thắng vang dội mà ông giành được trong cuộc bầu cử Hạ viện cuối tháng 8 năm ngoái. Cuộc đổi ngôi lịch sử lúc đó đã đặt dấu chấm hết 54 năm cầm quyền liên tục của đảng Dân chủ Tự do (LDP). Được xem là hậu duệ thông minh, sinh ra trong một "vương triều chính trị" giàu có, việc Thủ tướng Y.Hatoyama lên nắm quyền được cử tri Nhật Bản, nhất là giới trẻ, kỳ vọng sẽ giúp đổi thay nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; đồng thời tạo môi trường quan hệ "cân bằng hơn" với Mỹ và di chuyển căn cứ không quân Futenma của Mỹ trên đất Nhật là ưu tiên hàng đầu.

Thế nhưng thỏa thuận cuối cùng về căn cứ Futenma giữa Nhật Bản và Mỹ cuối tháng 5 vừa qua đã như một gáo nước lạnh làm tiêu tan hy vọng của cử tri Nhật Bản vì nó đồng nghĩa với việc Thủ tướng Y.Hatoyama thất hứa với cử tri. Sự thất hứa trong thế bất khả kháng đã khiến ông Y.Hatoyama không còn lựa chọn nào khác để trở thành thủ tướng thứ tư của Nhật Bản từ chức trong chỉ 4 năm qua.

Nhìn một cách toàn diện, Thủ tướng Y.Hatoyama đã ở giữa "hai làn đạn", một bên là sức ép của dư luận và liên minh cầm quyền trong nước; còn bên kia là mối quan hệ xuyên Thái Bình Dương được đánh giá là quan trọng hàng đầu của cả Nhật Bản và Mỹ tại châu Á kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Sự kiện Thủ tướng Hatoyama "lỗi hẹn" với cử tri và ra đi cho thấy mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ có tầm chi phối đến thế nào trên chính trường Nhật Bản hiện nay. Cuộc rứt áo ra đi của Thủ tướng Hatoyama ngay trong năm đầu tiên tại nhiệm đã cho thấy, mối quan hệ Nhật - Mỹ trong tương lai sẽ vẫn là nhân tố quan trọng trên chính trường quốc gia Đông Bắc Á này.

Thủ tướng Y.Hatoyama từ chức ngay sau khi đảng Dân chủ Xã hội (SDP) rút khỏi liên minh cầm quyền. Sự ra đi của một nhân vật được kỳ vọng của xứ Phù Tang được xem là sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của Nhật Bản trong thời kỳ hậu khủng hoảng này đã kéo theo không ít hệ lụy. Không phải đợi lâu, ngay trong ngày 2-6, đồng yên Nhật đã giảm giá so với đồng USD: 91,78 yên/1 USD so với trước đó là 91,1 yên. Không ít nhà đầu tư lo ngại cú chao đảo trên chính trường sẽ khiến nền kinh tế Nhật Bản gặp thêm khó khăn. Đây là thách thức không nhỏ với bất kỳ nhà lãnh đạo kế nhiệm nào. Trong khi, LDP đối lập tiếp tục đòi giải tán Hạ viện để tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn. Trong bối cảnh đó, sự ra đi của SDP sẽ khiến DPJ mất một số phiếu cần thiết tại Thượng viện trong cuộc bầu cử vào tháng 7 tới. Vì vậy, khả năng DPJ phải nhường ghế cho LDP sau cuộc bầu cử tới đây là rất cao.

Ông Y.Hatoyama đã phải trả giá bằng cả sự nghiệp của một Thủ tướng vì lời hứa bất thành trước cử tri Nhật Bản. Đây chưa bao giờ là quyết định dễ dàng với bất cứ nhà lãnh đạo nào trong một tình huống tương tự. Hiện mọi dự đoán đang hướng về Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Naoto Kan, người có khả năng kế nhiệm ông Y.Hatoyama khi cuộc bầu Chủ tịch DPJ dự kiến diễn ra vào ngày 4-6 tới. Với mong muốn "tạo dựng một DPJ mới và trong sạch hơn", Thủ tướng Hatoyama nay đã là cựu Thủ tướng, đang hy vọng sự ra đi của mình sẽ có lợi cho chính trường Nhật Bản trong những ngày tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gánh nặng lời hứa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.