Trong chuyến đi thực tế ở vùng biên cương phía Tây Nam của Tổ quốc vừa qua, chúng tôi được nghe người dân nói đến bộ đội biên phòng với sự yêu mến và tôn trọng.
Các chiến sĩ mang quân hàm xanh đã tuyên truyền, vận động và giúp hàng trăm trẻ em có nơi học tập, hàng chục hộ dân nghèo có được mái ấm an cư để yên tâm lạc nghiệp. Những hành động nghĩa tình đó đã góp phần vun đắp tình cảm giữa bộ đội và nhân dân vùng biên thêm bền chặt.
Những tuyên truyền viên áo xanh
Sau 20 phút xuất bến, chiếc ca nô tuần tra của Đồn Biên phòng Tây Yên (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) tiếp cận các tàu đánh cá của ngư dân. Tài công Nguyễn Văn Xuyên chia sẻ: “Tàu cá của tôi có 15 thuyền viên. Trong quá trình khai thác, đánh bắt trên biển, ngư dân chúng tôi chưa bao giờ đơn độc. Chúng tôi luôn có sự quan tâm, chia sẻ, đùm bọc của bộ đội biên phòng. Các tàu cá thường xuyên được cán bộ, chiến sĩ tuyên truyền phổ biến, cập nhật kiến thức về pháp luật, quy định mới liên quan tới hoạt động khai thác xa bờ”.
Nằm trên địa bàn có nhiều cửa sông, cửa lạch, nơi tập trung nhiều phương tiện đánh bắt có công suất lớn, Đồn Biên phòng Tây Yên trực tiếp quản lý 837 tàu cá và kiểm soát 2.942 tàu cá thường xuyên qua lại trên địa bàn. Theo kế hoạch, cán bộ, chiến sĩ đồn duy trì tuần tra ít nhất 2 buổi/ tuần và tăng tần suất trong các đợt cao điểm tuần tra liên ngành nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm và đặc biệt là tuyên truyền phòng chống vi phạm quy định IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định).
Trung tá Bùi Khắc Dương, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tây Yên cho biết: “Đơn vị thường xuyên tuyên truyền, phổ biến để chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân nắm được các quy định của pháp luật về khai thác hải sản; cam kết không đánh bắt hải sản trái phép. Mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng đều là “tuyên truyền viên”, trực tiếp phổ biến, cập nhật các chủ trương, chính sách mới về IUU cho ngư dân trên địa bàn. Thông qua hoạt động tuyên truyền, hầu hết chủ tàu, ngư dân đã hiểu về tác hại của “thẻ vàng” EC với nền kinh tế cũng như nắm chắc các quy định pháp luật về IUU, từ đó hạn chế tối đa vi phạm”.
“Hành vi cố ý đánh bắt ngoài lãnh hải Việt Nam không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đem đến nhiều rủi ro. Trong khi đó, ngư dân vẫn hoàn toàn có thể “sống khỏe” trên chính ngư trường quê hương mình. Như tàu cá của tôi, mỗi năm ra khơi 3 lần, thu về tổng cộng từ 13 đến 16 tỷ đồng. Trừ các loại chi phí, còn lại chia cho anh em, mỗi người khoảng 100 - 130 triệu, trung bình thu nhập 10 triệu đồng/tháng” - tài công Xuyên chia sẻ thêm.
Giờ đây, người dân trên địa bàn xã Tân Ân, xã Viên An Đông và thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đã quen thuộc với hình ảnh chiến sĩ biên phòng sử dụng chiếc loa di động phát liên tục các nội dung tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương... Đó chính là mô hình “Tiếng loa Biên phòng” của Đồn Biên phòng Rạch Gốc (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau). Với 1 chiếc loa di động, chiếc USB có sẵn các nội dung tuyên truyền và xe mô tô 2 bánh, các chiến sĩ biên phòng đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để truyền đạt thông tin cần thiết. Mô hình đã trở nên gần gũi và thiết thực với người dân.
Thiếu úy Lưu Nguyễn Minh Đương, Phó Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Rạch Gốc cho biết: “Tiếng loa Biên phòng” phát không có khung giờ cố định mà thường vào lúc có đông ngư dân lên bờ hoặc ngày họp chợ, ngày lễ... Bà con nơi đây sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và làm dịch vụ. Tuyên truyền bằng loa ngày một ngày hai có thể người dân không nhớ, nhưng cứ phát nhiều thì họ sẽ thấm dần và nắm chắc các quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển) Hứa Minh Quang bày tỏ: “Nhờ có sự tuyên truyền của các anh bộ đội biên phòng, người dân thường xuyên được tiếp cận thông tin thời sự, những nội dung thông báo của địa phương và được phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã”.
Chỗ dựa vững chắc cho dân
Trên đường vào ấp Tà Teng thăm gia đình chính sách ở xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, chúng tôi phải đi qua rất nhiều cây cầu và đến cây cầu Trà Pô thì ô tô không vào được. Dăm chiếc xe máy trờ tới, ai cũng hồ hởi: “Các anh, các chị lên đây em chở. Nhà còn xa lắm”. Chúng tôi người thì theo xe, người thì đi bộ chừng hơn 1km tới ngôi nhà nhỏ nép dưới rặng dừa xanh mát. Chị cán bộ thôn chở tôi vui vẻ nói: “Các anh chị vào đây được mấy hôm? Đã đi thăm được nhiều nơi chưa? Ở đây người dân ai cũng yêu quý bộ đội biên phòng, trẻ em được đến trường nhiều hơn cũng nhờ bộ đội...”.
Đưa chúng tôi đến thăm các gia đình ở thôn Tà Teng, Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) cho biết, Đồn quản lý 2 xã Phú Mỹ và Phú Lợi; có 2.787 hộ dân với 9.318 nhân khẩu, trong đó, người Khmer chiếm trên 40%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn; phong tục tập quán lạc hậu, trình độ thấp, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế. Để giúp đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, những năm qua Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Phú Mỹ phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc hai xã Phú Mỹ, Phú Lợi đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo; phối hợp khám, cấp thuốc miễn phí; tặng 900 phần quà cho gia đình chính sách, gia đình có công, hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào Khmer.
Đặc biệt là các chương trình, mô hình, dự án giúp học sinh nghèo biên giới có điều kiện đến lớp được các tầng lớp nhân dân và địa phương đánh giá cao. Đơn vị cũng thường xuyên quan tâm đến các hộ gia đình canh tác ở khu vực tiếp giáp biên giới. Trong quá trình tuần tra, kiểm tra đường biên, chúng tôi đều đến thăm hỏi, động viên các hộ dân, từ đó tạo được sự gần gũi, gắn bó giữa bộ đội biên phòng với quần chúng. Nhân dân tin yêu, quý mến, đã cung cấp cho bộ đội biên phòng hàng trăm nguồn tin có giá trị phục vụ cho đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Khi nói về những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ, ông Danh Hương (ấp Tà Teng) bày tỏ: “Ở đây, người có công luôn được quan tâm chăm lo, trẻ em được trao học bổng, các cháu còn được tặng xe đạp, tạo điều kiện thuận lợi để đến trường. Chúng tôi rất vui và yêu quý bộ đội”.
Cũng giống như Đồn Biên phòng Phú Mỹ, công tác an sinh xã hội, chăm lo cho bà con được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Rạch Gốc (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) đặc biệt quan tâm. Là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị Danh Thị Hiền, dân tộc Khmer, ở ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, thường xuyên không có việc làm, thu nhập bấp bênh. Đã vậy, cả gia đình chen chúc trong gian nhà lụp xụp, mùa mưa đến là nước ngập lênh láng. Nắm bắt được hoàn cảnh trên, Đồn biên phòng Rạch Gốc đã vận động các mạnh thường quân ủng hộ 40 triệu đồng, cán bộ chiến sĩ của Đồn góp thêm 20 triệu đồng để cất cho gia đình chị Hiền căn nhà khang trang. Chị Hiền chỉ là một trong số hàng trăm hộ dân được cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống...
Được biết, từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng Rạch Gốc đã phối hợp với Đảng ủy, UBND thị trấn Rạch Gốc, xã Tân Ân, xã Viên An Đông tổ chức “Ngày hội biên phòng toàn dân” trên địa bàn và trao tặng 2 căn nhà đại đoàn kết trị giá 50 triệu đồng/căn cùng 10 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng, cho gia đình chính sách, hộ nghèo...
Với phương châm “3 bám, 4 cùng”, các cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới Tây Nam đã luôn sống giản dị gần dân, hiểu dân và giúp dân khi dân cần. Hoạt động lao động, sản xuất hằng ngày luôn chứa chan tình cảm sâu nặng của cán bộ, chiến sĩ biên phòng vì nhân dân phục vụ. Cũng chính vì vậy, dù còn nhiều vất vả, khó khăn nhưng người dân vùng biên giới Tây Nam luôn tin tưởng và sát cánh cùng với bộ đội biên phòng trong việc bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn vững chắc biên cương của Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.