(HNM) - Ngày 2-11, đại diện cho các hộ sản xuất, chủ trang trại của các huyện ngoại thành đã có buổi tọa đàm với các đơn vị thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cùng một số sở, ngành chức năng để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho đầu ra nông sản.
Nông dân "kêu" thừa, doanh nghiệp "kêu" thiếu
Nông thôn Hà Nội là vùng sản xuất nông nghiệp có nhiều thế mạnh cung cấp nông sản cho người dân Thủ đô và cả nước. Tuy nhiên, đầu ra cho nông sản của nông dân Thủ đô vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Bá Gia, chủ trang trại ở xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) cho biết, gia đình có 3ha trang trại tổng hợp VAC, trong đó 2ha thả cá với sản lượng hàng chục tấn cá/năm. Nhưng nhiều năm qua, việc tiêu thụ sản phẩm của gia đình phụ thuộc vào thị trường tự do lúc đắt, lúc ế nên rủi ro rất lớn. Cùng với ông Gia, ông Lê Đức Giáp, chủ trang trại cam Canh, bưởi Diễn xã Cao Viên (Thanh Oai) cho biết, gia đình có 3 mẫu cam và bưởi, thu hoạch 3.000 quả bưởi, 10 tấn cam và hơn 200 cây cam cảnh mỗi năm. Ông Giáp băn khoăn về chuyện cứ hễ được mùa thì lại ế hàng, tư thương ép giá khiến người nông dân lao đao.
Còn theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức Vũ Nguyên Lâm, Hoài Đức có nhiều vùng sản xuất thế mạnh như trồng hoa phong lan ở xã Đông Lao thu hút hơn 300 hộ dân tham gia, 3 làng nghề chế biến bún, miến, bánh đa nem ở Cát Quế, Minh Khai, Dương Liễu cho sản lượng khoảng 1.000 tấn/ngày. Ngoài ra vùng trang trại của huyện cũng tương đối lớn với diện tích hơn 500ha cam, bưởi cho sản lượng khoảng 1.200tấn/năm. Song, hầu hết người nông dân địa phương vẫn sản xuất, tiêu thụ tự phát, không ổn định.
Trong khi tiềm năng sản xuất của nông dân Hà Nội là rất lớn, thị trường tiêu thụ chưa ổn định thì nhiều doanh nghiệp lại rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu chế biến. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội khẳng định, hiện Tổng Công ty có hơn 30 đơn vị thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản, thực phẩm, chế biến đồ uống, hàng may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ… Hằng ngày, các đơn vị trong Công ty tiêu thụ một lượng sản phẩm nông sản rất lớn nhưng đối tác của Công ty là các hộ sản xuất tại Hà Nội lại rất ít và thiếu.
Cơ hội hợp tác
Theo ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, lâu nay việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn rất chung chung và mờ nhạt, cụm từ liên kết 3 nhà, 4 nhà được nói nhiều nhưng kết quả thực sự rất thấp. Doanh nghiệp đặt mục tiêu là lợi nhuận, còn người nông dân nếu đầu tư nhiều cho sản xuất theo quy trình thì vốn và công bỏ ra nhiều nhưng giá bán cao, thị trường không chấp nhận nên rất khó đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhiều chương trình sản xuất nông sản áp dụng quy trình hiện đại khó thực hiện. Chương trình sản xuất rau an toàn (RAT) được đưa vào Hà Nội đã 17 năm nay nhưng phát triển vùng RAT vẫn là bài toán khó. Hay như, quy trình giết mổ gia súc, gia cầm theo hướng an toàn đã được khuyến khích và thực hiện 10 năm nay ở Thủ đô nhưng vẫn khó mở rộng vì nếu thực hiện theo quy trình giá sẽ đội lên gấp nhiều lần so với giết mổ nhỏ lẻ thủ công. Do đó, để việc xúc tiến hợp tác thương mại giữa nông dân và doanh nghiệp thuận lợi, Nhà nước phải có cơ chế, chích sách thỏa đáng. Doanh nghiệp không thể về từng hộ sản xuất để thu gom sản phẩm một cách nhỏ lẻ nên Nhà nước cần hỗ trợ để người sản xuất thành lập các hiệp hội bán hàng. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sản xuất nông nghiệp của các hộ nông dân theo cách truyền thống không còn phù hợp nên họ cần được hướng dẫn, giúp đỡ để sản xuất theo quy mô lớn tập trung, có sự đầu tư bài bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các doanh nghiệp.
Hiện nay, bước đầu nông dân Hà Nội đã hình thành nên một số vùng sản xuất nông sản như: vùng RAT ở Gia Lâm, Hoài Đức; chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Chương Mỹ, Quốc Oai, Sơn Tây; thủy sản ở Thanh Trì; hoa, cây cảnh ở Từ Liêm, Mê Linh... Các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp như gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm); đồ gỗ Vạn Điểm (Thường Tín), Liên Hà (Đan Phượng); mây, giang đan (Chương Mỹ)… đang rất cần thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội cho biết, sau buổi tọa đàm này, Hội Nông dân TP sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương mở thêm các cuộc xúc tiến thương mại khác theo từng vùng và từng ngành hàng cụ thể làm cầu nối giúp nông dân và doanh nghiệp xích lại gần nhau hơn. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội khẳng định, Công ty rất cần mở rộng đối tác và sự hợp tác với nông dân để tiêu thụ nông sản của bà con.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.