(HNM) - Ngày 23-11-1959, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký nghị định thành lập Ban Việt kiều Trung ương, nay là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban).
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Ủy ban đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Nam đã có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam. |
- Công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước. Theo ông, những thành công lớn nhất của công tác này thời gian qua là gì?
- Tôi cho rằng, thành công lớn nhất là việc chúng ta đã khẳng định được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận máu thịt không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thứ hai, chúng ta đã khẳng định được vai trò và vị trí của bà con trong việc hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước. Chính vì thế hiện nay, các chính sách đối với kiều bào luôn được đặt ở vị trí ưu tiên, điển hình là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Thứ ba, chúng ta đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của người dân trong nước, coi người Việt ở nước ngoài như anh em ruột thịt, khẳng định họ là người Việt Nam và được hưởng đầy đủ quyền lợi như bất kỳ người Việt Nam nào. Thứ tư, nhờ có những chính sách đúng đắn, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Hiện có 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, công tác và học tập tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ; vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng được khẳng định. Điều này góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Qua kiều bào, nền văn hóa của chúng ta cũng đã trở thành một phần trong nền văn hóa đa sắc tộc ở nhiều quốc gia trên thế giới.
- Dù đã làm được rất nhiều việc nhưng nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta vẫn chưa tận dụng được triệt để nguồn lực của người Việt Nam tại nước ngoài. Vậy trong thời gian tới, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài sẽ có những thay đổi thế nào để công tác này có hiệu quả hơn?
- Những năm qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng hành lang pháp lý, chính sách cởi mở để tạo điều kiện cho bà con Việt kiều. Đặc biệt là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị cùng nhiều chính sách được triển khai 10 năm qua được bà con rất hoan nghênh như: Chính sách miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài, thu hút kiều bào hợp tác đầu tư, kinh doanh, tham gia xây dựng đất nước, tạo điều kiện cho kiều bào được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, công nhận hai quốc tịch… Điều này đã tạo sức hút lớn và số lượng lớn kiều bào trở về quê hương để tham gia các hoạt động khoa học, đầu tư, đóng góp cho đất nước đã tăng đáng kể. Nghị quyết 36 vẫn còn có thể mở rộng hơn nữa để triển khai trong giai đoạn mới, tạo thêm lực hút đối với các tiềm năng, nguồn lực từ cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới, đồng thời cũng giúp bảo tồn được bản sắc văn hóa của người Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, thời gian tới, công tác người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Chúng tôi đang nghiên cứu một số đề án cụ thể nhằm thu hút các nhà khoa học trẻ tham gia vào một số dự án trong nước, đề án hỗ trợ kiều bào duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, hỗ trợ các lớp học tiếng Việt ở nước ngoài và tổ chức nhiều chương trình hoạt động để bà con có thể tham gia.
- Một trong những mục tiêu cao nhất của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là phục vụ cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Thứ trưởng có thể cho biết trong thời gian tới, Ủy ban tiếp tục triển khai nhiệm vụ này như thế nào?
- Bản chất cao quý của dân tộc Việt Nam là đoàn kết, thống nhất. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tinh thần đó luôn nổi trội. Chính vì thế mà chúng ta đã tập hợp được sức mạnh toàn dân và đánh thắng nhiều thế lực ngoại xâm. Đó là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách thúc đẩy đại đoàn kết dân tộc, chủ động mở rộng tiếp xúc, tạo điều kiện để những người đã phục vụ trong chế độ cũ, những người hoạt động tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật, xã hội… có tinh thần dân tộc được trở về quê hương, bước đầu tạo đột phá trong tiếp xúc, đấu tranh trực diện với các đối tượng từng chống phá đất nước. Một số vấn đề do lịch sử để lại đã được quan tâm giải quyết, nhờ đó bộ phận người Việt có tư tưởng chống đối ngày càng thu nhỏ. Thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm những chính sách và tạo sự đồng bộ giữa bộ, ngành trung ương tới địa phương nhằm mở rộng vòng tay hơn nữa đối với những người có thiện chí quay trở về xây dựng quê hương.
- Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Thứ trưởng có thể cho biết những điểm nhấn trong hoạt động của Ủy ban năm 2015?
Với vai trò của mình, Ủy ban dự kiến sẽ tổ chức rất nhiều sự kiện để kiều bào ta ở khắp thế giới chung vui cùng quê hương, đất nước trong những sự kiện trọng đại, trong đó đáng chú ý là chương trình Xuân Quê hương “Tổ quốc vinh quang” tại TP Hồ Chí Minh với số lượng kiều bào về tham dự có thể lên tới hàng nghìn người. Dịp 30-4, chúng tôi cũng sẽ tổ chức nhiều đoàn kiều bào về thăm quê hương. Bên cạnh các hoạt động thường niên như Trại hè Việt Nam dành cho học sinh, sinh viên kiều bào, đưa đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa, năm 2015, Ủy ban cũng sẽ tổ chức hội nghị tri thức kiều bào và hội nghị kiều bào toàn thế giới lần thứ ba… với mong muốn thu hút ngày càng nhiều hơn chất xám của người Việt ở khắp năm châu đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.