Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gần dân, vì dân

Dục Tú| 02/09/2013 05:54

(HNM) - Sát Tết Độc lập 2-9, Bộ Giao thông - Vận tải có văn bản báo cáo về kết quả kiểm tra công tác quản lý hoạt động vận tải, qua đó kiến nghị Chính phủ nhắc nhở, phê bình 18 tỉnh, thành phố có sự yếu kém trong công tác này.



Điều đáng chú ý nhất trong việc nói trên là đợt kiểm tra được thực hiện dưới sự chủ trì trực tiếp của 7 vị thứ trưởng. Chuyến “vi hành” cùng lúc của một loạt lãnh đạo ngành cho thấy, ít nhất thì lời phát biểu "chúng ta không thể thờ ơ trước những gì đang diễn ra" của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng không phải là lời nói suông.

Năm nay, không chỉ có lãnh đạo ngành giao thông vận tải chịu khó “vi hành”. Cuối tháng 5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trực tiếp về xã Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội), gặp gỡ nhân dân, lắng nghe nguyện vọng của họ - điều có liên quan trực tiếp đến hoạch định chính sách bảo tồn làng cổ ở Đường Lâm. Đầu tháng 7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có chuyến thị sát Bến xe Mỹ Đình (Từ Liêm - Hà Nội) và các địa điểm dọc tuyến đường Vành đai 3 nhằm đưa ra giải pháp quản lý, tổ chức hoạt động cho bến xe này. Giữa tháng 3, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính cùng Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh này có "chuyến khảo sát" ở một loạt quán cà phê nhằm phát hiện cán bộ, công chức "ăn bớt giờ nhà nước"… Khỏi phải nói thêm về hiệu quả của những chuyến đi về cơ sở, thâm nhập thực tế đời sống một cách cụ thể, trực tiếp của lãnh đạo tỉnh, thành, ngành trong thời gian qua, đơn giản là vì sự có mặt của họ tại những điểm "nóng" không chỉ mang ý nghĩa thúc đẩy bộ máy dưới quyền hoạt động theo định hướng đúng, mà còn giúp loại trừ nhiều loại bệnh quản lý, chẳng hạn như bệnh qua loa, đại khái, bệnh xa đời sống, cửa quyền, mưu lợi riêng…

Những chuyến "vi hành" của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh, thành, ngành có nhiều trong thực tế, đó đều là hành động đáng trân trọng, tạo hiệu quả cụ thể mà cũng là bài học quản lý đáng quan tâm. Tuy thế, không phải lúc nào cũng có thể đòi hỏi lãnh đạo cấp cao bỏ thời gian lo việc lớn để chăm chút việc nhỏ, "cầm tay chỉ việc". Điều quan trọng là đội ngũ cán bộ các cấp phải thấm nhuần quan điểm vì dân, tránh bệnh quan liêu, hình thức, xa rời thực tế đời sống, bệnh thành tích, tư lợi. Đội ngũ ấy đã thực sự gần dân, gần đời sống hay chưa?

Thực tế đời sống đang chỉ ra hậu quả của chứng bệnh quan liêu, vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm đang tồn tại ở đâu đó. Nhiều vấn đề "dân hỏi" mà ngành chức năng không có cách giải quyết thỏa đáng. Dân dai dẳng kêu đóng đủ tiền mà không được nhận nhà chung cư, có nơi kêu mãi không thấu, phải nhờ báo chí "kêu hộ" là vì sao? "Xe dù, bến cóc", xét trao danh hiệu Gia đình văn hóa chiếu lệ, vắc xin bị ăn bớt, phòng khám chui, "dùng chung xét nghiệm", lạm thu trong trường học, loạn dạy - học thêm, toàn chuyện "mất quá nhiều bò mới lo làm chuồng" mà sao đa số báo cáo tổng kết vẫn "đẹp"?...

Hôm nay 2-9, đã 68 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, dân ta được tự do, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Con đường ấy, mục tiêu duy nhất đúng ấy muốn thành hiện thực thì không chỉ cần những quyết sách lớn lao, những chương trình vĩ đại, mà còn đòi hỏi từng người hành xử đúng với quyền và nghĩa vụ được thừa nhận. Với lãnh đạo các cấp, một trong số nghĩa vụ quan trọng là làm việc vì dân, bởi thế mà cần tránh bệnh quan liêu, xa rời thực tế đời sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gần dân, vì dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.