(HNMO) - Ngày 24-6, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị tổng kết đề án “Phát triển giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020” theo Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Các đại biểu tham quan khu trưng bày giống cây trồng tại hội nghị. |
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sau 10 năm triển khai thực hiện, được sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương cả nước, đề án đã đạt nhiều kết quả như: Gần 1.000 giống cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất, nhờ đó năng suất cây trồng, vật nuôi tăng vượt mục tiêu đề án là 15%. Trong đó, năng suất ngô tăng 16%; cam tăng 25%; nhãn tăng 26%; chè tăng 22%; cà phê tăng 20,5%; đàn lợn xuất chuồng tăng 32%; năng suất sữa tăng từ 200 đến 300 kg/con/chu kỳ; năng suất nuôi cá tra tăng 22%... Từ năm 2010 đến nay đã công nhận được 685 giống cây trồng, 252 giống cây lâm nghiệp, 26 dòng, tổ hợp lai vật nuôi và 13 giống thủy sản.
Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, chọn tạo giống còn hạn chế, mới tập trung vào những cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, sinh trưởng nhanh, một số giống mới được công nhận nhưng chưa được sử dụng rộng trong sản xuất; tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất một số cây trồng, vật nuôi chưa đạt mục tiêu đề ra: Cây lúa còn 35-37% diện tích gieo trồng sử dụng giống không đúng phẩm cấp; 60% giống đậu tương; 50% giống lạc... chưa được sử dụng giống tiến bộ khoa học kỹ thuật; chăn nuôi còn 37,5% lượng bò thịt sử dụng giống địa phương; 50% giống cá tra và tôm sú chưa được kiểm soát chất lượng...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nêu một số hạn chế của đề án cần phải khắc phục, hoàn thiện trong giai đoạn mới. Tới đây, Bộ NN&PTNT tiếp tục xây dựng, đến cuối năm 2019, đề xuất Chính phủ ban hành đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2021-2030; tập trung xuyên suốt 3 trục kinh tế ngành lớn (lâm nghiệp, thủy sản và nông nghiệp).
“Đề án mới cần gắn chặt chẽ với yếu tố thị trường, bởi thị trường là mệnh lệnh của sản xuất; nếu không thay đổi, nền nông nghiệp sẽ chậm phát triển. Để thực hiện được mục tiêu này, khâu giống phải đi trước và khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư, tạo giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao”- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.