(HNMO) – Các gameshow (trò chơi truyền hình) hiện nay trên truyền hình Việt Nam đã không còn sức hấp dẫn với công chúng.
Nhiều gameshow hiện nay không còn tạo hứng thú cho người xem (từ trên xuống dưới: gameshow "Đấu trường 100", "Ai là triệu phú", "Chiếc nón kỳ diệu" |
* “Món” cũ quá ngán vẫn bị mời “ăn”
Điểm mặt lại những gameshow truyền hình hiện nay, không khó nhận ra những chương trình đều đặn lên sóng nhưng vẫn đang “sống” lay lắt như “Hãy chọn giá đúng”, “Đấu trường 100”, “Trò chơi âm nhạc”, “Ai là triệu phú”, “Chiếc nón kỳ diệu”, “Ô cửa bí mật”… Sự cũ mòn trong các chương trình và cách thức chơi đã khiến cho những gameshow này mất đi sức hấp dẫn. Trong số này, hai gameshow được coi là “kỳ cựu” nhất là “Chiếc nón kỳ diệu” và “Trò chơi âm nhạc” với thâm niên tồn tại trên dưới 10 năm, nhiều lần thay đổi format nhưng xem ra với việc quanh quẩn trong một hình thức chơi tẻ nhạt thì khán giả cũng đã không còn mặn mà khi xem. “Chiếc nón kỳ diệu” với cách chơi bao năm không thay đổi: quay nón, lấy điểm và đoán ô chữ đã không còn… kỳ diệu như trước.
Chương trình giải trí “Trò chơi âm nhạc” cũng thiếu duyên khi lúc nào cũng chỉ là 2 đội chơi, lật ô chữ và hát, chưa kể khách mời của chương trình đã quay vòng tái xuất hiện nhiều lần trên truyền hình. Cùng là sân chơi về âm nhạc, “Song ca cùng thần tượng” đến năm thứ 3 lên sóng cũng đã không còn sức hấp dẫn khi các gương mặt “thần tượng” cạn dần.
Chương trình "Trò chơi âm nhạc" có thâm niêm 10 năm |
Nếu như cách đây 5 năm, những trò chơi thử kiến thức của khán giả truyền hình còn mang lại hứng thú cho người xem thì giờ đây, những gameshow dạng này lại bị người xem “thất sủng”. Lý do một phần cũng bởi nhà Đài đã tổ chức quá nhiều gameshow truyền hình dạng này, mà theo quy luật “món ăn” gì mà được bày ra nhiều quá, ắt sẽ khiến người thưởng thức phát… ngấy.
Trò chơi từng gây sốt trên truyền hình Mỹ (thậm chí còn được dựng thành phim “Triệu phú ổ chuột” và đoạt giải Oscar) “Ai là triệu phú” cũng bắt đầu nhạt dần. Dù được dẫn dắt bởi MC kỳ cựu là nhà báo Lại Văn Sâm, hai lần thay đổi format nhưng “Ai là triệu phú” cũng chẳng thể níu khán giả ngồi lâu trước màn hình. Giống cách chơi của “Ai là triệu phú”, gameshow “Đấu trường 100” cũng với hình thức thi kiến thức, có sự hỗ trợ của người thân… trở nên nhàm chán là điều dễ hiểu.
Gameshow dành riêng cho quảng cáo là “Hãy chọn giá đúng” và “Ô cửa bí mật” cũng đang chịu chung số phận bởi sự cứng nhắc, nhạt nhẽo của chương trình. Hai chương trình truyền hình có tính phong trào là “Chúng tôi là chiến sĩ”, “SV”… lại có lý do riêng để mất dần khán giả. Nếu như “Chúng tôi là chiến sĩ” vẫn được ưu ái phát trong “giờ vàng” vào mỗi tối thứ 7, nhưng vì có đặc thù bó hẹp dành riêng cho các chiến sĩ trong quân đội nên hình thức tổ chức cũng dần trở nên đơn điệu. Còn “SV”, chương trình dành cho giới sinh viên được tổ chức lại sau 10 năm vằng bóng cũng không có được hiệu ứng như mong muốn, đơn giản vì không có được giờ phát sóng như ý.
* Loạn sóng “giờ vàng”
Sự thật là nhiều gameshow truyền hình đã cũ mòn nhưng vẫn chưa thể dừng sóng và nói lời từ biệt khán giả bởi nhà Đài đã chót ký hợp đồng dài hạn với các đối tác. Đó cũng là lý do mà dù biết lượng khán giả ít, không còn hấp dẫn người xem nhưng một số gameshow vẫn phải kẽo kẹt sản xuất và đều đặn chiếm sóng vào “giờ vàng”. Nghịch lý xảy ra khi những gameshow cũ chưa thể “thanh toán” thì nhiều gameshow mới ồ ạt sản xuất. Việc các gameshow phải chen chúc để vào “giờ vàng” hoặc cận “vàng” đã khiến cho không ít BTC chương trình phải “nhăn mặt”.
Chương trình Bài hát yêu thích chưa tạo được hiệu quả như mong muốn, một trong các lý do là vì lên sóng khá muộn |
Nhiều gameshow đã phải “bật” sang những kênh khác hoặc bị đẩy lùi phát sóng vào giờ khác, ngày khác. Điển hình như việc xuất hiện của gameshow mới “Hợp ca tranh tài” phát vào tối thứ 6 hàng tuần đã khiến cho “Trò chơi âm nhạc” phải chuyển sang tối thứ 4, điều đó cũng đồng nghĩa “Hãy chọn giá đúng” vốn phát vào thứ 4, nay phải chuyển sang trưa chủ nhật. Một số sân chơi âm nhạc đã phải sang kênh VTV6 “trú chân” như Bài hát Việt.
Nhiều chương trình vì thế cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn nhưng vẫn phải ngậm ngùi. Điển hình là chương trình Bài hát yêu thích, được nhà tổ chức kỳ vọng sẽ là sân chơi âm nhạc uy tín, hấp dẫn nhưng vì không chen chân được vào giờ “vàng” (do chương trình Vietnam’s Got Talent đang “chiếm sóng” đành phải diễn ra muộn hơn là 21h10 ngày chủ nhật) nên chưa đạt được hiệu quả về người xem như mong muốn dù được PR rầm rộ.
Năm ngoái, sân chơi Sao mai cũng chịu cảnh tương tự, khi vào giờ “vàng” tối chủ nhật hàng tuần phải nhường cho sân chơi thiếu nhi “Đồ rê mí”. Bị lên sóng muộn, kéo theo kết thúc muộn, sân chơi “Sao mai 2011” bị chê là nhạt nhẽo, khô cứng. Xót cho “đứa con tinh thần” không được giờ lên sóng đẹp, thời điểm đó Trưởng Ban văn nghệ của Đài THVN cũng lên tiếng xin giờ phát sóng sớm hơn nhưng lãnh đạo Đài không thể sắp xếp vì lịch đã kín.
Năm nay, việc có thêm nhiều sân chơi âm nhạc mới, tới đây lại có thêm một số chương trình mới rục rịch “chiếm sóng” truyền hình như cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ, Sao mai điểm hẹn 2012, Vietnam Idol, The Voice,… chắc chắn sẽ khiến cho “bài toán” cân đối lịch phát sóng của Đài THVN càng thêm nan giải. Trong “bài toán” khó này, có lẽ chương trình nào “bạo vì tiền” sẽ có cơ hội giành được “giờ vàng”. Còn lại, chắc chắn lại phải ngậm ngùi…
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.