(HNMO)- Sáng nay (28/3), Công ty VinaGame cùng với các đối tác GameHi & CJ Internet (Hàn Quốc) đã chính thức phát hành tại Việt Nam phiên bản thử nghiệm của trò chơi trực tuyến - thể thao điện tử Biệt Đội Thần Tốc, một trò chơi trực tuyến dạng đối kháng đang liên tục đứng đầu thị trường game thể thao điện tử Hàn Quốc.
(HNMO)- Sáng nay (28/3), Công ty VinaGame cùng với các đối tác GameHi & CJ Internet (Hàn Quốc) đã chính thức phát hành tại Việt Nam phiên bản thử nghiệm của trò chơi trực tuyến - thể thao điện tử Biệt Đội Thần Tốc (Sudden Attack), một trò chơi trực tuyến nhiều người chơi thể loại bắn súng góc nhìn thứ nhất (MMOFPS) hiện đang liên tục đứng đầu thị trường game thể thao điện tử Hàn Quốc.
![]()
Trong giai đoạn này, 10.000 tài khoản thử nghiệm sẽ được VinaGame cung cấp miễn phí cho các game thủ. Như vậy, từ 10 giờ sáng 28/3, những game thủ từ 16 tuổi trở lên yêu thích Biệt Đội Thần Tốc đã nhận được tài khoản qua đợt đăng ký những ngày vừa qua có thể tham gia thử nghiệm để mời thêm bạn bè cùng tham gia. Ngoài ra, món quà ra mắt 150.000 điểm thưởng cũng sẽ được dành tặng ngay cho những game thủ tham gia vào phiên bản Closed Beta Biệt Đội Thần Tốc.
Trò chơi trực tuyến - thể thao điện tử Biệt Đội Thần Tốc sử dụng game engine Lithtech Jupiter – một game engine rất mạnh hiện nay, có thể so sánh với hai dòng game engine nổi tiếng là Quake và Unreal Engine - được tối ưu hóa cho game online. Về cách chơi, trong game Biệt Đội Thần Tốc, người chơi được chia làm 2 đội thi đấu với nhau: Lực lượng đặc biệt S.A (màu xanh) và Liên quân Silent Fox (màu đỏ), mỗi đội có tối thiểu 1 và tối đa 8 thành viên. Các thành viên có thể tự thành lập những đội nhóm riêng (Clan) để thi đấu trong hệ thống riêng biệt dành cho Clan của mình. Đây chính là nơi phô diễn sức mạnh của các nhóm, trong đó tinh thần đồng đội và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Các Clan mạnh có thể tham gia vào “Clan Battle Sytem” - Hệ thống thi đấu đặc sắc của Biệt Đội Thần Tốc. “Clan Battle System” chính là nơi phô diễn sức mạnh của các Clan, khi đó tinh thần đồng đội và sự phối hợp nhịp nhàng của các Clan chính là yếu tố quyết định chiến thắng. Đặc biệt, điểm ưu việt của Biệt Đội Thần Tốc so với những game FPS trước đây chính là việc người chơi có thể tham gia chiến đấu ở dưới nước.
![]()
Game thể thao điện tử Biệt Đội Thần Tốc là một game đối kháng đòi hỏi người chơi phải có tư duy chiến thuật, có khả năng tập trung, phản ứng nhanh nhạy và biết hòa mình vào tập thể. Đây cũng là game có nhiều đặc điểm tương đồng với trò chơi giải trí thể thao điện tử danh tiếng Counter Strike - vốn rất quen thuộc trong cộng đồng game thủ Việt Nam và thế giới qua những giải đấu như World Cyber Game, ESWC, cũng như nhiều nét mới đột phá về gameplay, đồ họa và âm thanh. Trong Biệt Đội Thần Tốc, hệ thống vũ khí và trang bị hỗ trợ cho người chơi được thiết kế theo xu hướng cân bằng hóa nên sẽ không làm mất cân bằng game. Ngoài ra, cũng theo ông Thuấn, Biệt Đội Thần Tốc được đầu tư điều nghiên rất kỹ về cả gameplay lẫn nội dung cũng như các trang bị trong game trước khi đưa ra bản thử nghiệm nhằm tạo sự hòa hợp với văn hóa và thị hiếu của game thủ bản địa.
Ông Lâm Quang Thuấn – Giám đốc Sản phẩm game Biệt Đội Thần Tốc cho biết: “Với việc đưa trò chơi trực tuyến - thể thao điện tử Biệt Đội Thần Tốc về Việt Nam, chúng tôi mong muốn cùng góp phần đẩy mạnh sự phát triển của nền giải trí thể thao điện tử vốn đang bước những bước khởi đầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sản phẩm Biệt Đội Thần Tốc là một cố gắng hơn nữa của Công ty VinaGame nhằm bắt nhịp với xu hướng giải trí trực tuyến thế giới và đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng đa dạng của cộng đồng game thủ thân thiết”.
Hiện nay, Biệt Đội Thần Tốc với tên gốc Sudden Attack đang giữ vị trí dẫn đầu trong làng game FPS tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, cũng như rất được ưa thích tại nhiều nước trên thế giới.
Tại Việt Nam, gần đây Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Danh Thái đã ký quyết định thành lập Ban Vận động thành lập Hội Thể thao Điện tử và Giải trí Việt Nam (dự kiến thành lập vào tháng 7/2008 sắp tới), tạo ra một cơ hội lớn để thể thao điện tử Việt Nam bước lên chuyên nghiệp hóa. Bên cạnh đó, ngày 10/3 vừa qua, Ủy ban Olympic Việt Nam đã phê duyệt đề án đưa eSport vào thi đấu tại Đại hội thể thao trong nhà Châu Á lần thứ 3 (Asian Indoor Games III) sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10/2009. Những động thái tích cực này chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy thể thao điện tử Việt Nam phát triển nhanh chóng và đi đúng hướng để có thể theo kịp và bắt nhịp với đà phát triển của thể thao điện tử thế giới.
Tuyết Minh