(HNM) - Sự vận hành của hầu hết gallery hiện nay đang diễn ra khá nghiệp dư. Tại Hà Nội, thị trường nghệ thuật lớn nhất cả nước, số gallery đang hoạt động lên tới hàng trăm song những địa chỉ thực sự có tác dụng cổ súy những gương mặt tiêu biểu của nền mỹ thuật Việt Nam tới công chúng một cách chuyên nghiệp lại chẳng có là bao...
Nuôi tranh giả
Thực tế đáng báo động về cách thức vận hành của hệ thống gallery nghệ thuật hiện nay không phải bây giờ mới được mổ xẻ. Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhận định: Đã đến lúc cần có một cuộc tổng kiểm kê, rà soát lại toàn bộ hệ thống gallery nghệ thuật để có thể đánh giá chuẩn xác đâu là địa chỉ chuyên nghiệp, đâu là bát nháo, chộp giật. Nguy hiểm hơn, hàng trăm gallery lớn, nhỏ hình thành tự phát đang là tác nhân nuôi dưỡng thị trường tranh giả khiến giới nghệ sĩ tạo hình và công chúng vô cùng bức xúc.
Nạn chép tranh diễn ra công khai. |
Minh chứng cho mối quan hệ giữa gallery - họa sĩ ngày càng trở nên lỏng lẻo là vụ việc xâm phạm bản quyền giữa Gallery Viet Fine Arts (28 Tràng Tiền, Hà Nội) và họa sĩ cao niên Văn Thơ xảy ra gần đây. Một tác phẩm của lão họa sĩ này đã bị sao chép cẩu thả và bày bán công khai. Họa sĩ Văn Thơ đã ba lần phát hiện Gallery Viet Fine Arts mạo danh ông để kiếm lời bất chính. Họa sĩ Lê Thiết Cương, cái tên khá được ưa chuộng trên thị trường mỹ thuật Việt Nam đương đại cho hay, bản thân anh cũng đã nhiều lần chứng kiến những "đứa con tinh thần" của mình bị sao chép nguệch ngoạc và cẩu thả. Cũng theo họa sĩ này, vấn nạn xâm phạm bản quyền tác giả tại hệ thống gallery thuần túy thương mại đã lên đến đỉnh điểm nhưng đến nay vẫn chưa có cơ sở nào bị xử phạt nặng. Thế nên, trong khi họa sĩ bức xúc và lên án chuyện tác phẩm của mình bị sao chép vô tội vạ thì ở khắp nơi, nhan nhản gallery bày tranh sao chép ngay trên vỉa hè trước sự thờ ơ của người qua lại. Đáng nói là những gallery này đều nằm trên những con phố lớn của Hà Nội như Nguyễn Thái Học, Hàng Trống, Tràng Tiền...
Đã đến lúc vào khuôn khổ
Sự bát nháo và coi thường tác giả ở nhiều gallery không chỉ khiến giới nghệ thuật bức xúc, mà còn là nguyên nhân làm giảm uy tín của nền mỹ thuật Việt Nam trong mắt của các nhà sưu tập quốc tế. Nhiều nhà quản lý đã bức xúc cho rằng, thị trường mỹ thuật đương đại Việt Nam đang sở hữu một hệ thống gallery thiếu chuyên nghiệp, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên tất cả và không coi trọng chữ tín, thương hiệu của mình. Mối quan hệ giữa gallery - họa sĩ cũng vì thế mà ngày càng lỏng lẻo, rời rạc. Họa sĩ Vi Kiến Thành khẳng định, chính sự xem nhẹ uy tín của hệ thống gallery đã khiến không ít nhà sưu tập quốc tế không còn hào hứng tìm đến thị trường mỹ thuật đương đại Việt Nam để mua tranh. Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, nạn tranh giả không chỉ là biểu hiện vi phạm sở hữu trí tuệ mà còn làm tổn hại đến lợi ích nghệ sĩ, niềm tin của công chúng yêu nghệ thuật, làm sụt giảm uy tín của thị trường nghệ thuật Việt Nam vốn rất mong manh. Vì thế, đã đến lúc hệ thống gallery cần được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý văn hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.