(HNM) - Cuộc thi "Tiếng hát mùa thu 2010" do Đài PTTH Hà Nội tổ chức bắt đầu bước vào vòng tranh tài gay cấn nhất - vòng chung khảo với 24 thí sinh. Chương trình đã có "thâm niên" hơn 20 năm, lần này sẽ góp cho Thủ đô những ngày kỷ niệm 1000 năm tuổi một đợt liên hoan giàu sức sống, mới mẻ, trẻ trung.
Chắp cánh những giọng ca "vàng"
Ai cũng biết ca sĩ Hồng Nhung đã đoạt giải nhất trong cuộc thi "Giọng hát hay Hà Nội" lần đầu tiên (tên trước của "Tiếng hát mùa thu") năm 1987 - một cuộc thi hát đơn ca duy nhất và cũng là sớm nhất ở Hà Nội. Sau 23 năm thành danh, mặc dù đã lập nghiệp nơi khác, "gặt" nhiều giải thưởng lớn, nhưng khi nhắc đến lần đoạt giải nhất ấy ở rạp Công Nhân, cô "Bống" không khỏi bồi hồi. Khi đó, Hồng Nhung nổi tiếng với "Nhớ về Hà Nội" (Hoàng Hiệp) và "Người cha" - nhạc Pháp.
Ca sĩ Hoàng Lệ Quyên, thí sinh dự thi “Tiếng hát mùa thu 2010”. |
Tiếp theo, cuộc thi "Giọng hát hay Hà Nội" được tổ chức hai năm một lần, các giọng ca "vàng" lần lượt xuất hiện như Mỹ Hạnh, Vi Hoa, Tấn Minh, Y Moan, Mỹ Linh, Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Hồ Quỳnh Hương, Ngọc Khuê, Tùng Dương... Bên cạnh đó còn có các giọng hát hay gây ấn tượng mạnh như Trần Hoàng Anh và Nguyễn Văn Chung. Họ đều là những giọng hát vượt thời gian, nhiều người trở thành NSƯT. Giai đoạn đổi tên là "Tiếng hát mùa thu", 8 kỳ tổ chức cũng là dịp để nhiều tên tuổi trở thành các ngôi sao ca nhạc hàng đầu: Kasim Hoàng Vũ, Mai Hoa, Anh Thơ, Phương Anh, Khánh Linh, Võ Thu Hà…
Gala âm nhạc mừng 1000 năm Hà Nội
Gương mặt nào được phát hiện và vinh danh trong cuộc thi uy tín tổ chức đúng vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội này còn chưa có câu trả lời. Nhưng để hơn cả một cuộc thi, góp vào ngày hội của Thủ đô những tiếng ca mới đòi hỏi "Tiếng hát mùa thu" phải có tiêu chí cao hơn. Khán giả chờ đợi nhiều ở cuộc thi năm nay, tuy nhiên, chưa thấy ban tổ chức có những thay đổi để khiến vòng sau cùng trở nên hấp dẫn như đầu tư kỹ thuật trình diễn, trang phục, luyện thanh cho các thí sinh giống "Sao Mai điểm hẹn", hay "Vietnam Idol" diễn ra cùng thời điểm. Hơn nữa, nhìn danh sách 24 gương mặt lọt vào vòng chung khảo vẫn thấy "quen quen" như Hoàng Lệ Quyên, Nguyễn Hoài Nam... Muốn là một gala mới mẻ cho khán giả dịp này, nên chăng ban tổ chức, ban giám khảo cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn các thí sinh đã dự thi và xuất hiện nhiều trên truyền hình trong các cuộc thi âm nhạc khác gần đây.
Khi theo dõi ở vòng ngoài, không thể phủ nhận chất lượng thí sinh dự thi năm nay đồng đều và đã "tự thân" đầu tư cả về kỹ thuật, phong cách trình diễn lẫn trang phục. Họ đem đến nhiều bài hát "quen" nhưng vẫn thấy "lạ" bởi thể hiện được cảm xúc và có sáng tạo. Và nữa, "Tiếng hát mùa thu" rõ ràng đã có lợi thế hơn nhiều cuộc thi âm nhạc khác là chỉ bắt buộc thí sinh hát một bài về Hà Nội còn mở rộng thể loại nhạc cho các giọng hát thể hiện lợi thế. Có tới hàng nghìn ca khúc cũ, mới về Hà Nội ở đủ các thể loại, thí sinh sẽ không bị "ép" thể hiện sở đoản, khán giả sẽ đỡ phải nghe một thể loại quá cứng nhắc trong mỗi đêm thi.
Trước mắt là tối chủ nhật hằng tuần, khán giả sẽ được thưởng thức một đêm gala âm nhạc mới mẻ, sôi động và có chất lượng tại Nhà văn hóa học sinh, sinh viên (hồ Thiền Quang) hoặc trên sóng truyền hình của Đài PTTH Hà Nội. Đêm chung kết sẽ diễn ra vào tối 31-10 và còn một gala tưng bừng hội tụ nhiều ca sĩ đã được chắp cánh từ cuộc thi này vào tháng 11 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.