Đã tròn 27 năm trôi qua (14.3.1988-14.3.2015) kể từ ngày diễn ra trận hải chiến trên đảo Gạc Ma, vĩnh viễn đưa 64 người con đất Việt trở thành những “linh hồn bất tử nơi đầu sóng”.
Hàng năm, cứ đến những ngày này, người dân Việt Nam trên khắp mọi miền lại khắc khoải tưởng nhớ các anh, những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc. Là một trong số ít phóng viên may mắn có mặt trong Lễ kỷ niệm 25 năm trận hải chiến trên đảo Gạc Ma được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng năm 2013, được trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với những nhân vật lịch sử, những người thân của các anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến mà “tiếng súng chỉ nổ từ một phía”, chúng tôi đã có được những tư liệu vô cùng quý giá, và cả những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo...
Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa lớn |
Mãi ngóng trông con...
Đầu tháng 3-2013, nhóm PV ban Phóng sự - Điều tra nhận một nhiệm vụ “đặc biệt” từ Ban Biên tập: Bay gấp vào Đà Nẵng để thực hiện loạt bài tuyên truyền nhân Lễ kỷ niệm 25 năm trận hải chiến trên đảo Gạc Ma. Không những thế, chúng tôi còn có thêm nhiệm vụ đặc biệt: Trao số tiền 45 triệu đồng của báo Hànộimới đến thân nhân gia đình 9 liệt sĩ của thành phố biển Đà Nẵng đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến. Trong suốt những ngày làm việc ở Đà Nẵng, có cơ hội được tiếp xúc với nhiều thân nhân, bạn bè, đồng đội của các liệt sĩ, nhưng có lẽ hình ảnh và câu chuyện của mẹ Lê Thị Muộn - thân sinh liệt sĩ Phan Văn Sự và ông Lê Văn Xuân - cha liệt sĩ Lê Văn Xanh để lại trong chúng tôi những ấn tượng mạnh mẽ về nỗi nhớ thương khôn nguôi và tình yêu vô bờ bến dành cho những đứa con mãi mãi nằm lại dưới lòng biển cả.
Mẹ Lê Thị Muộn năm nay đã ngoài 80 tuổi, tóc đã bạc trắng, làn da đã chi chít vết đồi mồi, duy chỉ có khuôn mặt vẫn in dấu một thời xuân sắc. Trò chuyện với chúng tôi, ký ức của mẹ về đứa con thân yêu, liệt sĩ Phan Văn Sự vẫn nguyên vẹn như thuở nào. Anh Sự là con trai áp út trong số 8 người con gồm 5 gái, 3 trai của mẹ. Tháng 2- 1987, khi vừa tròn 18 tuổi, anh Sự tình nguyện đăng ký nghĩa vụ quân sự, nối bước anh trai, lên đường làm nghĩa vụ tại Trung đoàn 83 công binh, Quân chủng hải quân, đóng tại bán đảo Sơn Trà. Vốn tính chăm chỉ, mỗi dịp cuối tuần được đơn vị cho về thăm nhà, anh lại giành thời gian giúp mẹ làm đủ việc. Tết năm 1988, trong một lần về thăm nhà, anh Sự khoe sắp tới Trung đoàn sẽ tổ chức cho anh em đi xây đảo tại Len Đao, Cô Lin và Gạc Ma, tuy chỉ là lính trông kho, nhưng anh xung phong đi xây đảo cùng đồng đội và được cấp trên chấp thuận. Thấy con hào hứng khi lần đầu ra đảo làm nhiệm vụ, lòng mẹ Muộn cũng vui lây. Mẹ đâu có ngờ, lần đó anh đi rồi vĩnh viễn không bao giờ về nữa... Đầu tháng 3-1988, chồng mẹ Muộn trở bệnh đau nặng, phải mổ cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Sau 9 ngày nằm viện, sức khỏe của ông hồi phục dần. Sáng ngày 14-3-1988, qua làn sóng phát thanh, bản tin về trận hải chiến ở Gạc Ma và danh sách các chiến sĩ hải quân hy sinh và mất tích có tên anh Phan Văn Sự khiến mẹ ngất xỉu. Vết mổ tưởng như sắp lành của chồng mẹ cũng bỗng nhiên bục máu, ông ra đi theo con trai vào lúc 17h chiều ngày 14-3-1988. Chỉ một ngày hai vành khăn trắng chồng lên nhau, mẹ Muộn tưởng chừng không sống nổi. Sau ngày anh Sự mất, gia đình nhận được giấy báo tử và chiếc áo lính hải quân - kỷ vật duy nhất anh để lại. Nhớ thương con, mẹ lần hồi dỡ chiếc áo lính, cặm cụi may lại thành chiếc áo cánh khoác trên người. Suốt 25 năm, đêm nào mẹ cũng đặt áo dưới gối ngủ, hễ có việc rời khỏi nhà, mẹ đều mang chiếc áo theo người. “Thằng Sự mất khi tuổi đời còn quá trẻ, mẹ mang áo để thấy nó luôn bên mẹ...” - khóe mắt mẹ Muộn rưng rưng, tựa như anh đang ở đâu đây, rất gần bên mẹ.
Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ sau nỗi đau mất con, ông Lê Văn Xuân, cha liệt sĩ Lê Văn Xanh vẫn nhớ như in giấc mơ kỳ lạ đúng vào ngày ông nhận được tin dữ. “Chắc thằng Xanh bị chết oan uổng quá, linh hồn nó linh thiêng nên báo mộng cho tôi...” ông lặng lẽ nói trong nước mắt. Ông Xuân kể, đêm 13, rạng sáng ngày 14/3/1988, đang nằm ngủ dưới ghe đánh cá trên sông Hàn, ông chợt thấy anh Xanh hiện về trong mơ, quần áo bê bết máu. Anh nhìn cha như cầu cứu: “Cha ơi, chúng nó bắn tụi con rồi!..”. Linh tính có chuyện chẳng lành, ông định lao thẳng về nhà báo tin cho vợ thì nhận được tin dữ trên radio. “Bà nhà tôi ngất lên ngất xuống vì thương xót con, mình phận đàn ông phải cố nuốt nước mắt vào trong lập bàn thờ cho con. Đau xót lắm chứ. Nhưng con tôi hy sinh vì nhiệm vụ, vì tổ quốc, gia đình tôi rất đỗi tự hào” - ông Xuân tâm sự. Trên bàn thờ nghi ngút khói hương, một chiếc yếm quân phục hải quân bạc màu, sờn rách vì ngấm muối mặn biển đảo được gấp phẳng phiu, nằm ngay ngắn trước di ảnh liệt sĩ Lê Văn Xanh – anh chiến sĩ trẻ măng có khuôn mặt rất điển trai với đôi mắt sáng và khoé miệng lúc nào cũng như cười. Với ông Xuân, chiếc áo lính không chỉ là kỷ vật thiêng liêng, mà còn như chính một phần máu mủ của ông đang hiện hữu trong ngôi nhà nhỏ...
Tổ quốc mãi nhớ tên anh...
Nhắc đến trận hải chiến trên đảo chìm Gạc Ma huyền thoại, người ta không thể không nhắc đến những cái tên: Vũ Phi Trừ, Trần Đức Thông, Trần Văn Phương, Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh, Lê Hữu Thảo... Họ đã trở thành những cái tên đi vào lịch sử, được ghi danh trong bảng vàng của Hải quân Việt Nam. Có người đã vĩnh viễn nằm xuống, có người may mắn trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người trong số những cựu binh Gạc Ma đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời về vật chất của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân... như một sự tri ân những người đã có công với đất nước. Nguyễn Văn Lanh - người lính hải quân có vóc dáng nhỏ thó hơn 20 năm trước đã trở thành một phần của lịch sử khi dũng cảm dùng tay không chiến đấu với kẻ địch, bảo vệ lá cờ tổ quốc trên đảo Gạc Ma thiêng liêng, để rồi chính thức được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND khi mới tròn 23 tuổi.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh (trái) và cựu binh Lê Hữu Thảo gặp lại nhau sau 25 năm. |
Tháng 2 - 2015, một tin vui đến với cựu binh Lê Hữu Thảo khi anh chính thức sở hữu một căn nhà tại phường Thạch Linh, T.P Hà Tĩnh, chấm dứt những tháng ngày thuê trọ long đong. Lê Hữu Thảo là tiểu đội trưởng của một trong hai trung đội chiến đấu được Lữ đoàn 146 gấp rút thành lập trước khi tàu HQ - 604 được lệnh rời Cam Ranh lên đường bảo vệ Gạc Ma đầu tháng 3 - 1988. Trong trận hải chiến lịch sử rạng sáng ngày 14-3-1988, anh Thảo cùng Đậu Xuân Tư, Hoàng Trọng Chúc... được giao xuống bãi đá ngầm san hô, cảnh giới cho lực lượng công binh dựng cờ. Ngay sau khi Gạc Ma vừa im tiếng súng, chính anh đã tham gia cùng nhiều đồng đội còn sống cố hết sức cứu sống AHLLVT Nguyễn Văn Lanh và tham gia tìm xác những người hy sinh đưa về đảo Sinh Tồn Lớn... Sau nhiều năm chật vật mưu sinh, sống tạm bợ trong nhà trọ, Nhịp Cầu Hoàng Sa - một chương trình do một nhóm các nhà báo khởi xướng, đã giúp anh tổng số tiền trên 400 triệu đồng để mua đất, xây nhà ở khang trang. Ngoài ra, anh Thảo còn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ trực tiếp từ các bạn bè, cơ quan... trên cả nước.
Trước đó, năm 2005, đồng đội cũ của của liệt sĩ Lê Xuân Xanh ở Quân chủng Hải quân cũng quyên góp số tiền 30 triệu đồng giúp gia đình ông Xuân - cha đẻ liệt sĩ Xanh, xây được căn nhà hai tầng khang trang tại số 45 đường Nguyễn Thành Ý (quận Hải Châu, Đà Nẵng). “Có lẽ Xuân mất khi còn trẻ nên linh hồn nó phù hộ cho gia đình tôi. Giờ thì mưa gió chẳng còn lo chi nữa rồi...” - ông Xuân chia sẻ.
Sau này, mỗi lần có dịp ra Trường Sa, khi làm Lễ thả hoa tưởng niệm 64 người con anh hùng của đất Việt đã anh dũng hy sinh để bảo vệ phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Tất thảy đều đau đau nhìn về phía Gạc Ma. Dưới mỗi con sóng bạc đầu kia, đâu là hình hài, xương cốt của các anh?
Các anh đã hóa thành những linh hồn bất tử để Tổ quốc trường tồn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.