Kế hoạch lịch sử này nhằm mục đích buộc các tập đoàn lớn nhất thế giới phải trả nhiều thuế hơn tại các quốc gia nơi họ kinh doanh, không chỉ nơi các tập đoàn này đặt trụ sở chính.
Trong ngày nhóm họp đầu tiên tại London (Anh), Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã gần tiến sát tới thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu, và dự kiến sẽ tiếp tục đàm phán về các chi tiết của thỏa thuận này trong ngày 5-6.
Các bộ trưởng tài chính G7 sẽ đồng ý về nguyên tắc để thay đổi cơ sở của luật thuế doanh nghiệp quốc tế lần đầu tiên sau một thế kỷ.
Kế hoạch lịch sử này nhằm mục đích buộc các tập đoàn lớn nhất thế giới phải trả nhiều thuế hơn tại các quốc gia nơi họ kinh doanh, không chỉ nơi các tập đoàn này đặt trụ sở chính.
Phát biểu với BBC, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết, ông "hoàn toàn tin tưởng" việc sẽ đạt được một thỏa thuận "thực sự làm thay đổi thế giới".
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng cho biết, các bộ trưởng đang gần tiến sát tới một "thỏa thuận lịch sử" và thế giới sẽ thấy G7 vẫn là một lực lượng toàn cầu trong việc xác định luật chơi trong trật tự quốc tế ở thế kỷ XXI.
Dự kiến, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 sẽ đưa ra tuyên bố chung trong ngày 5-6, nêu rõ lập trường chung của G7 cũng như ủng hộ lời kêu gọi của chính quyền Mỹ, cả về chế độ thuế toàn cầu, đối với những tập đoàn lớn nhất thế giới và tỷ lệ thuế toàn cầu tối thiểu.
Trong khi đó, tại Mỹ, hiện một số nguồn tin thân cận cho biết, G7 đang thúc đẩy các cuộc đàm phán về mức thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%.
Hãng tin Bloomberg cho hay, tỷ lệ ít nhất là 15% sẽ phù hợp với một đề xuất mà Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra hồi tháng trước.
Bloomberg cho hay, hiện vẫn chưa rõ liệu một tỷ lệ cụ thể có được đưa vào tuyên bố của G7 hay không, trong khi dự thảo tuyên bố mà Reuters đưa tin hồi đầu tuần không đề cập đến tỷ lệ cụ thể.
Từ năm 2013, các nước đã đàm phán để tìm kiếm một hiệp định về thuế quốc tế. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 diễn ra trong bối cảnh Nhóm 20 nền kinh tế G20 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang tiến hành đàm phán về các vấn đề thuế quốc tế, bao gồm thuế tối thiểu toàn cầu. G20 hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận vào tháng 7 tới.
Khó khăn đã thể hiện rõ ràng trong quá trình đàm phán, đặc biệt là về việc đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ.
Tuy nhiên, triển vọng về thỏa thuận đã tăng lên đáng kể sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền vào đầu năm nay và đã đưa ra các đề xuất mới.
Hiện, Washington đánh giá, một thỏa thuận về mức thuế tối thiểu toàn cầu là cách để chấm dứt "cuộc đua xuống đáy" về thuế doanh nghiệp, đồng thời coi thỏa thuận là cách để giúp các tập đoàn Mỹ duy trì cạnh tranh, nếu Mỹ tăng thuế doanh nghiệp.
Cho đến nay, vẫn chưa có một mức thuế tối thiểu toàn cầu, và theo tạp chí The Hill, một thỏa thuận như vậy sẽ khuyến khích các quốc gia thiết lập cơ chế để đảm bảo rằng các tập đoàn phải trả mức thuế tối thiểu đối với thu nhập từ nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.