(HNM) - Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS), Tập đoàn FPT tiên phong đưa thuật ngữ “chuyển đổi số” vào Việt Nam và nỗ lực hiện thực hóa bằng cách số hóa quy trình nội bộ và cung cấp chiến lược, giải pháp chuyển đổi số cho tổ chức, doanh nghiệp. Nội dung về chuyển đổi số được chuyên gia của Tập đoàn FPT cùng đại diện Timo, VNPay, VinaCapital... thảo luận trong tọa đàm về số hóa trong khuôn khổ Hội nghị Nhà đầu tư 2022 do VinaCapital tổ chức diễn ra ngày 7-10-2022 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tại tọa đàm này, ông Phan Thanh Sơn cho biết, định hướng chiến lược của FPT là đứng trong tốp 50 công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030. Trong 34 năm phát triển, FPT đã xây dựng nhiều hạ tầng, nền tảng số để phục vụ cộng đồng, góp phần mang tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân. Có thể kể đến những dự án tiêu biểu như: Cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu cho Tổng cục Thuế quốc gia; hệ thống bán vé điện tử của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam... FPT còn giải quyết thành công sự cố nghẽn mạng của Sàn chứng khoán HoSE (Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh) trong 100 ngày, qua đó tạo ra một “phi vụ” giải cứu đầy ngoạn mục mà một doanh nghiệp công nghệ Việt có thể làm được.
Hiện, doanh thu chuyển đổi số của FPT năm 2021 tăng 72%; 8 tháng đầu năm 2022 tăng 41% đạt 4.657 tỷ đồng. Hệ sinh thái Made by FPT có trên 200 giải pháp, dịch vụ, sản phẩm dành cho tổ chức, doanh nghiệp. Tập đoàn FPT là đối tác tin cậy số một của các tổ chức, doanh nghiệp, góp phần giúp Việt Nam bắt kịp các xu hướng công nghệ mới nhất.
Hiện, FPT tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào tất cả sản phẩm, giải pháp, dịch vụ Made by FPT tạo ra những sản phẩm, giải pháp thông minh với những tính năng vượt trội cho từng ngành, từng lĩnh vực. Hệ sinh thái công nghệ AI của FPT có hơn 20 giải pháp đang phục vụ hơn 20 triệu người dùng cuối và 600 triệu lượt sử dụng/năm.
Tập đoàn cũng xây dựng hệ sinh thái điện toán đám mây (Cloud) đa dạng các sản phẩm đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng. FPT là đối tác cung cấp dịch vụ Cloud của hơn 100 doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực cùng hơn 10.000 lập trình viên, tiêu biểu như: GreenFeed, World Bank... Hệ sinh thái Cloud của FPT có hơn 50 dịch vụ, sản phẩm, giải pháp và sẽ tiếp tục mở rộng lên con số 100 trong năm 2022. 4.000 chuyên gia đáp ứng các nhu cầu chuyển đổi, ứng dụng, nâng cấp Cloud cho khách hàng và chiến lược Cloud nội bộ. FPT cùng các doanh nghiệp khai phá sức mạnh của dữ liệu - big data để giúp họ nhạy bén hơn trong kinh doanh, linh hoạt hơn trong vận hành, quản trị, nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, FPT đã thành lập Blockchain lab và tập trung đưa Blockchain vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Là đồng minh tin cậy của các doanh nghiệp, tổ chức mọi quy mô, mọi lĩnh vực trở thành các doanh nghiệp số, tổ chức số đem lại những trải nghiệm số xuất sắc thông qua quản trị, vận hành dựa trên dữ liệu gần thời gian thực giúp tối ưu vận hành, nâng cao năng suất, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, FPT phát triển và mở rộng các giải pháp Made by FPT kết hợp với nền tảng quản trị doanh nghiệp Base.vn tạo ra một nền tảng quản trị duy nhất tất cả trong một đáp ứng nhu cầu khách hàng trong mọi lĩnh vực.
Với nhóm khách hàng doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt nhóm doanh nghiệp lớn, dẫn đầu các ngành: Tài chính, bất động sản và sản xuất, tập đoàn tập trung cung cấp các hệ thống công nghệ nền tảng hỗ trợ kinh doanh và quản trị như ERP (hoạch định nguồn lực doanh nghiệp), CRM (quản lý quan hệ khách hàng), HRM (quản trị nguồn nhân lực), quản trị sản xuất... tích hợp các ứng dụng, giải pháp chuyên sâu dựa trên các công nghệ mới và các dịch vụ quản trị hạ tầng công nghệ điện toán đám mây.
Ông Phan Thanh Sơn khẳng định: Là doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, FPT thúc đẩy chuyển đổi số trên cả ba trụ cột: Kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt.
Hội nghị Nhà đầu tư năm 2002 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 5 đến 7-10. Tại hội nghị năm nay, cùng với các nhà đầu tư nước ngoài là sự tham dự của nhiều diễn giả đại diện cho các ngành, nghề và lĩnh vực khác nhau, từ những công ty công nghệ khởi nghiệp cho đến các tập đoàn công nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Theo VinaCapital, hội nghị năm nay được tổ chức thành các phiên trao đổi chuyên sâu, tập trung vào những lĩnh vực cụ thể với phần trình bày của nhiều lãnh đạo cấp cao từ các doanh nghiệp như: FPT, Thế giới di động, Vietjet Air, Hưng Thịnh, ZaloPay, Tiki, Homebase, hay FINA. Các nhà đầu tư còn được đến thăm Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Phần mềm FPT và tham quan thành phố Hồ Chí Minh để chứng kiến sự phát triển của đô thị hiện đại.
Tại hội nghị này, các chủ đề chính được trao đổi gồm: Triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán; câu chuyện thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam; cập nhật tình hình hoạt động các quỹ của VinaCapital; năng lượng sạch và các vấn đề an ninh năng lượng; phát triển cơ sở hạ tầng bền vững; đầu tư vào môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG); tiến trình số hóa; đầu tư mạo hiểm; bất động sản và VinaLiving.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.