(HNMCT) - Với những thành công đã đạt được, các festival nghệ thuật trên thế giới không chỉ mang ý nghĩa về văn hóa mà còn được xem là bài toán kinh tế hiệu quả.
Một mô hình thành công
Lễ hội Edinburgh Fringe diễn ra vào tháng 8 hằng năm ở Scotland, được coi là lễ hội nghệ thuật lớn nhất thế giới, thường diễn ra trong khoảng 3 tuần. Dịp này, du khách được đắm chìm trong hàng nghìn màn biểu diễn nghệ thuật độc đáo, thậm chí lạ lùng, diễn ra tại hơn 300 địa điểm trong thành phố Edinburgh, từ nhà hát, rạp chiếu phim, nhà thờ, khách sạn đến các quán bar, sân nhà... Chương trình festival rất phong phú và được chia thành nhiều mảng sân khấu (hài kịch, kịch nói, kịch thiếu nhi, opera…), khiêu vũ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, các chương trình cho trẻ em, âm nhạc, triển lãm. Riêng trong năm 2018, lễ hội này lập kỷ lục khi kéo dài 25 ngày với hơn 55.000 buổi biểu diễn của 3.548 chương trình khác nhau ở 317 địa điểm. Đáng ngạc nhiên hơn khi số lượng vé bán ra cho tất cả các sự kiện diễn ra trong Lễ hội Edinburgh Fringe cao hơn so với bất cứ lễ hội nào khác, chỉ sau Olympic và World Cup.
Điều gì đã làm nên thành công của festival nghệ thuật này? Lần ngược lại lịch sử của sự kiện sẽ thấy đây là một liên hoan ra đời rất tình cờ. Năm 1947, 8 công ty hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh, rạp chiếu không được mời đến Liên hoan phim quốc tế Edinburgh đã tập hợp nhau lại để tạo ra một sân chơi riêng. “Fringe” có nghĩa là “rìa” hay “bên lề” bởi khi đó Liên hoan phim quốc tế Edinburgh đã sử dụng các địa điểm chính của thành phố, các công ty này buộc phải tiếp quản các địa điểm thay thế, nhỏ hơn cho các tác phẩm của họ. Và hoàn cảnh ra đời đặc biệt này cũng đã thiết lập đặc trưng của Lễ hội Edinburgh Fringe, đó là thiếu lời mời chính thức để biểu diễn và sử dụng các địa điểm độc đáo. Tính cởi mở và linh hoạt của lễ hội này đã khiến nó nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn của công chúng. Ngày nay, lễ hội được biết đến bởi tính chất châm biếm, trào phúng và lập dị. Khi bước vào lễ hội này, người ta có cảm giác được thưởng thức một bữa tiệc mãi không dứt. Không cần phải có “món” nào quá hoành tráng nhưng tính chất ngẫu hứng của nó thu hút rất nhiều đoàn nghệ thuật đến tham gia cũng như khiến du khách say mê.
Lễ hội nghệ thuật cũng là một bài toán kinh tế
Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Lương Hồng Quang từng nhận định: Việc ra đời các festival có hai lý do: Thứ nhất, bản thân đời sống đô thị - công nghiệp cần có những cách tổ chức riêng, khác với đời sống nông thôn. Cư dân đô thị cần có các sự kiện văn hóa làm sống động đời sống tinh thần, đặc biệt là ở những không gian công cộng như đường phố, quảng trường. Các festival là cách thức tốt nhất để biểu thị bản sắc địa phương, cả những nét văn hóa truyền thống và đương đại. Thứ hai, những người tổ chức đã nhìn thấy thêm một tiềm năng của festival, đó là: Có thể mang lại lợi nhuận. Lợi nhuận mà hoạt động tổ chức festival mang lại có thể được tính đến qua hai “kênh”: Thu trực tiếp từ festival (bán vé, tài trợ, quảng bá); “kênh” thứ hai không kém phần quan trọng là các hệ thống dịch vụ kèm theo.
Trên thực tế, nhiều festival nghệ thuật tổ chức thành công đã mang đến khoản doanh thu không nhỏ. Chỉ riêng trong lĩnh vực âm nhạc, với doanh thu 29,63 triệu USD, Liên hoan âm nhạc và nghệ thuật Outside Lands (Mỹ) là lễ hội có doanh thu cao nhất thế giới vào năm 2019, tiếp theo là Life is Beautiful Festival (Mỹ) và Lollapalooza Brazil - lần lượt là 17,7 và 14,48 triệu USD. Liên hoan âm nhạc và nghệ thuật Outside Lands đã bán được hơn 200 nghìn vé vào năm 2018 và Lollapalooza Brazil có 246 nghìn vé được bán ra. Ngoài doanh thu bán vé hàng triệu đô la Mỹ mỗi năm, một số lễ hội nổi tiếng nhất thế giới còn thu hút lượng người hâm mộ khổng lồ, giúp tạo ra doanh thu cho hệ thống dịch vụ đi kèm.
Với hiệu quả văn hóa, kinh tế vượt trội, nhiều thành phố trên thế giới thậm chí còn tổ chức các festival với kỳ vọng tái cấu trúc nền kinh tế của đô thị đó, chẳng hạn như các thành phố biển Manchester (Anh), Barcelona (Tây Ban Nha) hay Busan (Hàn Quốc)... Ở các nơi này, khi ngành công nghiệp "xương sống" là đóng tàu bị ngưng trệ, họ đã tìm cách tái cấu trúc kinh tế thành phố và lời giải cho bài toán khó lúc đó là văn hóa. Busan trở nên nổi tiếng toàn thế giới khi Liên hoan phim quốc tế Busan (BIFF) được tổ chức tại đây trở thành một trong những sự kiện văn hóa nổi bật nhất châu Á, nơi quy tụ những ngôi sao nổi tiếng của Hàn Quốc và cả thế giới. Ngoài ra, đây cũng là nơi tổ chức Lễ hội Busan One Festival (BOF) - sự kiện mơ ước của bất kỳ một fan K-pop nào. Hay toàn bộ hệ thống công trình ven biển vốn là công xưởng của thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) đã được biến thành các nhà hát, gallery, trung tâm văn hóa... Cách làm này đã làm “hồi sinh” nhiều thành phố trên thế giới một cách kỳ diệu và bền vững.
Hà Nội - điểm đến lý tưởng của những festival
Với vốn di sản văn hóa nghệ thuật phong phú, khả năng tiếp cận nhanh nhạy với các xu hướng nghệ thuật trên thế giới, công chúng trẻ và cởi mở, Hà Nội có rất nhiều điều kiện để xây dựng và phát triển các thương hiệu festival.
Chỉ riêng trong lĩnh vực âm nhạc, Hà Nội có rất nhiều thế mạnh để tổ chức các festival tầm cỡ khu vực và thế giới. Đó là truyền thống âm nhạc phong phú, hệ thống nhà hát đa dạng, thế hệ nghệ sĩ trẻ có trình độ, khả năng kết nối với các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới, những đơn vị tổ chức chuyên nghiệp có khả năng thực hiện những show diễn hoành tráng và đặc biệt là công chúng yêu âm nhạc. Trong Hồ sơ ứng cử vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (đã được UNESCO công nhận vào tháng 10-2019), Hà Nội cũng chỉ rõ: “Các sự kiện âm nhạc quốc tế có uy tín được tổ chức thường niên như Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, Liên hoan âm nhạc Vietnam Connection, Liên hoan âm nhạc châu Âu, Lễ hội âm nhạc Touch the Music... đã thu hút nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, tạo ra sự chuyển động, phối hợp giữa thiết kế ánh sáng, âm thanh và biểu diễn”. Đặc biệt, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) đã tạo được tiếng vang, đang được xây dựng thành thương hiệu văn hóa của Thủ đô. Hiện tại, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa đã có tên trong bản đồ các lễ hội âm nhạc quốc tế và là thành viên chính thức của tổ chức Music Connet Asia - tổ chức liên kết các lễ hội âm nhạc lớn ở châu Á để thúc đẩy sự trao đổi, giao lưu âm nhạc, nghệ thuật giữa các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, để tạo ra những festival tầm cỡ khu vực và thế giới - những thương hiệu mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội cần tập trung nhiều nguồn lực hơn nữa cho lĩnh vực này. Kinh nghiệm thực tế cho thấy trên thế giới có rất nhiều festival, thậm chí có nhiều thành phố được mệnh danh là thành phố festival. Vì vậy, các festival mới tổ chức cần phải có sự khác biệt về ý tưởng nghệ thuật, phải tạo ra được bản sắc riêng. Công thức để một festival văn hóa đương đại có thể thành công trong nhiều năm, trở thành thương hiệu mạnh trong công nghiệp văn hóa là phải bảo đảm chất lượng nghệ thuật tốt; công nghệ tổ chức tốt; kỹ nghệ quản trị và quảng bá tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.