(HNM) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng hơn 3 năm qua nhằm kiềm chế lạm phát đang gia tăng ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ. Động thái này được nhận định là có thể giúp duy trì đà tăng trưởng cũng như bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới này trước tác động từ tình hình căng thẳng Nga - Ukraine.
Trong thông cáo đưa ra ngày 16-3, Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED cho biết, ngân hàng này quyết định tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản, qua đó nâng biên độ lãi suất của FED lên mức 0,25-0,5%.
Thông cáo cho biết thêm, FED sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát để có thêm các đợt nâng lãi suất nữa, và dự kiến lãi suất sẽ tăng lên mức khoảng 1,9% vào cuối năm nay. FOMC cũng dự kiến có 6 đợt nâng lãi suất nữa trong năm 2022 và thêm 3 đợt khác trong năm 2023. Quyết định của FED đã đánh dấu một sự đảo ngược mạnh mẽ về chính sách tiền tệ so với hai năm trước, khi cơ quan này giảm lãi suất xuống gần bằng 0 và đưa ra một loạt các chương trình để trợ lực cho nền kinh tế chống chọi với vi rút SARS-CoV-2.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng kéo dài và đẩy 22 triệu người Mỹ vào ranh giới thất nghiệp. Nhiệm vụ của FED đối với nền kinh tế số 1 thế giới là thúc đẩy việc làm tối đa, giữ giá cả ổn định và bảo đảm lãi suất dài hạn vừa phải. Tuy nhiên, diễn biến gần đây khác xa so với bảy năm lãi suất gần như bằng 0 mà FED duy trì sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nền kinh tế Mỹ dần phục hồi nhờ sự hỗ trợ của các gói kích thích kinh tế hậu đại dịch và chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng. Kinh tế xứ Cờ hoa tăng trưởng 5,7% vào năm 2021 và thúc đẩy chi tiêu của người dân cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Điều này cũng khiến lạm phát tăng mạnh.
Lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 40 năm. Theo Bộ Lao động Mỹ, tháng 2-2022, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 7,9%, mức cao nhất kể từ tháng 1-1982. Mức tăng này không nằm ngoài dự báo nhưng đây là dấu hiệu cho thấy giá cả tiếp tục leo thang, đặc biệt là giá xăng, thực phẩm và nhà ở. Năng lượng là gánh nặng lớn nhất, vì giá xăng đã tăng 38% trong vòng một năm. Áp lực về giá đã mở rộng ra đến khí đốt và các mặt hàng khác. Ví dụ, giá các sản phẩm may mặc, sau khi giảm mạnh trong những ngày đầu của đại dịch, đã tăng 6,6%. Chi phí thuê nhà, chiếm gần 1/3 chỉ số CPI, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tất cả những khoản tăng chi phí đó đã khiến mục tiêu lạm phát 2% của FED “tan thành mây khói”.
Công cụ chính để chống lại lạm phát là lãi suất. FED nhận định việc tăng lãi suất sẽ đưa lạm phát xuống thấp hơn nữa, còn 2,6% vào cuối năm 2023 và 2,3% vào năm sau đó. Greg McBride, Giám đốc phân tích tài chính của Bankrate - Công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng của Mỹ cho biết: “FED sử dụng lãi suất như một bàn đạp ga hoặc một phanh hãm nền kinh tế khi cần thiết. Với việc lạm phát đang ở mức cao, họ có thể tăng lãi suất và sử dụng điều đó để thúc đẩy nền kinh tế trong nỗ lực kiểm soát lạm phát”.
Lo lắng chính đối với các nhà kinh tế là việc FED tăng lãi suất quá nhanh sẽ làm giảm nhu cầu chi tiêu xuống, điều này có nguy cơ khiến kinh tế bị đình trệ. Thế nên, FED đã đưa ra lộ trình tăng lãi suất dần dần để nền kinh tế tăng trưởng chậm lại vừa đủ để hạ giá mà không gây gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Với những lộ trình đưa ra trong chính sách tiền tệ dự kiến, FED kỳ vọng lạm phát tại Mỹ sẽ "hạ nhiệt" trong năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.