FDIC đưa ra 3 đề xuất gồm tăng giới hạn bảo hiểm lên mức cao hơn, loại bỏ hoàn toàn giới hạn hoặc chỉ tăng giới hạn bảo hiểm cho tài khoản kinh doanh, vốn đang được sử dụng để trả lương cho lao động.
Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đang thúc đẩy các nỗ lực cải cách về bảo hiểm tiền gửi sau sự sụp đổ của ngân hàng First Republic Bank (FRB).
FDIC đã đưa ra ba đề xuất gồm tăng giới hạn bảo hiểm lên mức cao hơn, loại bỏ hoàn toàn giới hạn hoặc chỉ tăng giới hạn bảo hiểm cho các tài khoản kinh doanh, vốn đang được sử dụng để trả lương cho người lao động.
Tuy nhiên, để thực hiện sự thay đổi theo các đề xuất trên, FDIC sẽ cần Quốc hội thông qua luật. Lần gần đây nhất, các nhà lập pháp Mỹ tăng giới hạn bảo hiểm tiền gửi là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg, việc mở rộng bảo hiểm tiền gửi có khả năng tạo ra rủi ro về mặt nguyên tắc khi khuyến khích các ngân hàng chấp nhận rủi ro cao hơn, song các quy định và việc giám sát chặt chẽ có thể giảm bớt những lo ngại này.
Ông Gruenberg lưu ý các tài khoản thanh toán của doanh nghiệp đặt ra mối lo ngại về sự ổn định tài chính cao hơn so với các tài khoản khác, do việc không thể tiếp cận các tài khoản này có thể dẫn đến những tác động kinh tế lớn hơn. Do đó, mở rộng bảo hiểm tiền gửi cho các tài khoản doanh nghiệp có thể đáp ứng các mục tiêu cơ bản của bảo hiểm tiền gửi với chi phí thấp nhất.
FRB hôm 1-5 đã trở thành ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ sụp đổ. FDIC sau đó đã thu hồi tài sản của FRB và sắp xếp bán lại cho JPMorgan Chase, với hy vọng có thể khép lại cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng kéo dài hai tháng qua.
Các cơ quan quản lý Mỹ cũng đang nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng niềm tin vào hệ thống ngân hàng khiến người gửi tiền rút tiền từ các ngân hàng hạng trung có tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm cao.
Các ngân hàng hạng trung được cho là đã thúc giục FDIC bảo hiểm tất cả các khoản tiền gửi trong hai năm để ngăn dòng tiền gửi chảy sang các ngân hàng lớn hơn.
Ngày 1-5, các nhà quản lý đã nắm quyền kiểm soát ngân hàng First Republic Bank và bán ngân hàng này cho JPMorgan Chase. Đây là động thái nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng kéo dài hai tháng đã tác động nghiêm trọng tới hệ thống tài chính Mỹ.
Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cho biết JPMorgan Chase sẽ tiếp nhận toàn bộ số tiền gửi 103,9 tỷ USD và mua lại phần lớn tài sản trị giá 229,1 tỷ USD của First Republic Bank.
Ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, cho biết Chính phủ Mỹ đã kêu gọi các "đại gia" trong ngành ngân hàng vào cuộc nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng của lĩnh vực này.
Trước đó, PNC, JPMorgan Chase & Co và Citizens Financial Group Inc là vài cái tên nổi bật nhất trong số các ngân hàng đã nộp hồ sơ dự thầu mua lại First Republic Bank vào ngày 30-4 (giờ địa phương), trong cuộc đấu giá do các cơ quan quản lý Mỹ điều hành.
Theo báo New York Times, cuối ngày 1-5, 84 chi nhánh của First Republic Bank ở tám tiểu bang sẽ mở cửa trở lại với tư cách là chi nhánh của JPMorgan Chase.
First Republic Bank đã sụp đổ dù đã nhận được khoản cứu trợ trị giá 30 tỷ USD từ 11 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ trong tháng 3. Cổ phiếu của ngân hàng này đã mất gần như toàn bộ giá trị sau một loạt các đợt sụt giảm mạnh.
Trước đó, một nhóm bao gồm 11 ngân hàng tư nhân của Mỹ gửi 30 tỷ USD vào First Republic. Trong đó, mỗi “ông lớn” Bank of America, Citigroup, JPMorgan Chase và Wells Fargo sẽ gửi 5 tỷ USD vào First Republic, trong khi Goldman và Morgan Stanley sẽ gửi 2,5 tỷ USD mỗi ngân hàng.
Ngoài ra, một nhóm năm ngân hàng khác, trong đó có PNC Bank và US Bank, sẽ gửi 1 tỷ USD mỗi bên.
Trong số các ngân hàng lớn của Mỹ, JPMorgan hiện nắm giữ hơn 10% tổng số tiền gửi trong tất cả các ngân hàng tại Mỹ. Luật liên bang cấm một ngân hàng lớn thực hiện một thương vụ mua lại vượt quá ngưỡng 10% tổng số tiền gửi.
Nhưng theo luật và diễn giải năm 1994 của một chuyên gia về phá sản ngân hàng, các cơ quan quản lý có thể miễn trừ yêu cầu này trong trường hợp ngân hàng đó mua lại một ngân hàng phá sản.
Tập đoàn Goldman Sachs và JPMorgan Chase & Co cùng chia nhau vị trí đứng đầu hạng mục cố vấn tài chính mua lại và sáp nhập (M&A) trong quý đầu tiên của năm 2023 theo kết quả tổng hợp của 2 tổ chức thông tin giao dịch Refinitiv và Dealogic công bố ngày 4-4.
Theo bảng tổng hợp của Refinitiv, trong 3 tháng đầu năm 2023, giá trị các hợp đồng M&A mà JPMorgan đạt được là 119,8 tỷ USD, nhỉnh hơn chút ít so với con số 115,4 tỷ USD của Goldman Sachs. Đây cũng là lần đầu tiên Goldman để tuột vị trí này về tay JPMorgan kể từ quý I năm 2019.
Việc rao bán First Republic Bank diễn ra chưa đầy hai tháng sau khi ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature sụp đổ do các đợt rút tiền gửi ồ ạt ở Mỹ, buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ổn định thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.