Trong tháng 2 vừa qua, Chỉ số giá lương thực của FAO đã đạt mức 140,7 điểm - cao hơn 3,9% so với tháng trước đó và cao hơn 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá lương thực thế giới đã lên tới mức cao nhất trong lịch sử 61 năm kể từ khi Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) cho ra đời Chỉ số giá lương thực, trong bối cảnh các vấn đề về chuỗi cung ứng và cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang chi phối nhiều khía cạnh cuộc sống.
Trong tháng 2 vừa qua, Chỉ số giá lương thực của FAO đã đạt mức 140,7 điểm - cao hơn 3,9% so với tháng trước đó và cao hơn 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Không những thế, mức thống kê này còn cao hơn 2% so với chỉ số cao nhất mà FAO ghi nhận hồi tháng 2-2011.
Ra đời năm 1961, Chỉ số giá lương thực của FAO được tính toán dựa trên mức giá trung bình trong giai đoạn từ năm 2014-2016, với giá trị là 100, và được điều chỉnh theo mức độ lạm phát.
Chỉ số này xem xét mức giá toàn cầu đối với 23 loại thực phẩm chính (gồm 73 mặt hàng sản phẩm khác nhau) so với năm cơ sở.
Số liệu thống kê cho thấy, ngũ cốc đã tăng giá 3,0% so với tháng trước đó, do những quan ngại về nguồn cung do cả Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn của thế giới. Trong khi đó, dầu thực vật cũng tăng 8,5%, sữa tăng 6,4% và thịt tăng 1,1%.
Ở chiều ngược lại, giá đường đã giảm 1,9% và đây là tháng thứ 3 liên tiếp mặt hàng này chứng kiến mức giá giảm. Theo FAO, có được điều này là nhờ những triển vọng sản xuất mạnh mẽ ở Ấn Độ, Thái Lan và Brazil.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.