Theo dõi Báo Hànộimới trên

Facebook chỉ ra 10 điểm giúp người dùng nhận biết tin giả, tin sai sự thật

Hoàng Linh| 20/03/2020 18:48

(HNMO) - Thời gian qua, vì chủ quan hoặc muốn thể hiện bản thân, nhiều người dùng đã đăng tải hoặc chia sẻ những thông tin không đúng, chưa được kiểm chứng.

Hành vi trên không chỉ khiến dư luận hoang mang, gây ra nhiều tác động xã hội xấu, mà còn khiến người đăng tải, chia sẻ phải chịu các hình phạt nặng. Để góp phần giảm thiểu các tình huống chia sẻ tin giả không mong muốn, cũng như giúp người tham gia mạng xã hội dễ dàng nhận biết các thông tin sai lệch sự thật, Facebook đã bổ sung các gợi ý vào mục hỗ trợ trong trang web của mình. 

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác hại của tin giả càng rõ nét hơn bao giờ hết.

Dưới đây là 10 khuyến nghị được mạng xã hội lớn nhất thế giới nêu ra:

1. Xem xét kỹ tiêu đề: Những tin giả được thêu dệt với tiêu đề thường khá hấp dẫn. Đặc biệt, nếu những thông tin trong tiêu đề nghe có vẻ khó tin hoặc gây sốc, có điểm vô lý, nhiều khả năng đó là tin giả.

2. Hãy chú ý tới các đường dẫn/liên kết: Khi người dùng phát hiện đường dẫn tới trang web giả mạo hoặc trông gần giống với địa chỉ/đường dẫn của một trang web chính thống, nội dung đăng tải gần như chắc chắn là giả. Thực tế, nhiều trang tin giả tạo nên một liên kết gần giống với nguồn tin gốc, chỉ khác biệt ở một số thay đổi nhỏ (như thiếu hoặc thừa kí tự) nhằm giả dạng trang web có tin gốc đó. Để phân biệt, người dùng cần tỉnh táo xem xét mọi liên kết mình truy cập và so sánh giữa trang chính thống và các trang giả mạo để nhận biết sự khác biệt. 

3. Tìm hiểu nguồn tin: Hãy bảo đảm rằng câu chuyện đến từ một nguồn chính xác, đáng tin cậy đã được biết đến hoặc xác thực về danh tiếng. Nếu đó là một tổ chức xa lạ, hãy tìm đọc và kiểm tra kỹ lưỡng phần "Giới thiệu" để có cái nhìn rõ ràng về thông tin mà nguồn đó đưa ra. Tại Việt Nam, nguồn tin chuẩn xác nhất về Covid-19 vào lúc này là từ Bộ Y tế và các cơ quan báo chí, ngôn luận chính thức. 

Sự thiếu logic và vô lý là những dấu hiệu của tin giả, nhưng đòi hỏi người dùng phải cảnh giác và tỉnh táo để nhận ra.

4. Cảnh giác với định dạng bất thường: Nhiều trang web lan truyền tin tức sai cũng sẽ mắc những lỗi về định dạng ví dụ như lỗi chính tả hoặc bố cục trang lộn xộn. Nếu cảm thấy trang web mình vào “có gì đó không đúng”, hãy kiểm tra kĩ lưỡng nội dung đăng tải trên đó. 

5. Thận trọng xem xét độ xác thực của hình ảnh: Những câu chuyện đưa tin sai lệch thường chứa hình ảnh hoặc video bị chỉnh sửa. Đôi khi bức ảnh được xác thực nhưng người đăng tải thông tin đưa nó ra khỏi bối cảnh gốc, dẫn đến việc gây nhầm lẫn cho người xem. Để đối phó với tình trạng này, người dùng có thể sử dụng tính năng tìm kiếm ảnh (Google có hỗ trợ), qua đó xác minh nguồn ảnh gốc cũng như hiểu bối cảnh bức ảnh được chụp một cách chính xác nhất. 

6. Xác thực mốc thời gian của thông tin: Những câu chuyện đưa thông tin sai lệch có thể chứa các mốc thời gian không có ý nghĩa hoặc ngày sự kiện đã bị thay đổi.

7. Rà soát bằng chứng: Việc thiếu bằng chứng xác thực hoặc chỉ đưa ra thông tin từ các chuyên gia không rõ tên họ là một dấu hiệu nhận biết tin giả. Do đó, người dùng cần kiểm tra các luận cứ được tác giả đưa ra để xác nhận rằng thông tin đăng tải là chính xác.

8. Đối chiếu với các báo cáo khác: Nếu không có nhiều nguồn tin, đặc biệt là có các nguồn chính thống, cùng tường thuật một chủ đề, nhiều khả năng đó là tin giả. Ngược lại, nếu câu chuyện được thảo luận bởi nhiều nguồn mà bạn tin tưởng, đó là dấu hiệu tốt về độ uy tín của thông tin. 

Nhiều nội dung châm biếm bị “hiểu lầm” khiến chúng vô tình bị chia sẻ thành tin giả.

9. Phân biệt rõ tin tức thật với những câu nói đùa: Đôi khi tin giả có thể xuất phát từ những câu nói đùa, những câu nói hài hước, châm biếm. Vì vậy, hãy đọc kỹ và cẩn thận đánh giá xem nguồn được biết đến có phải một kênh tấu hài hay không, cũng như liệu các chi tiết và giọng điệu của câu chuyện có hướng tới việc châm biếm hay không.

10. Một số tin giả được tung ra có chủ đích: Đây là thực tế đáng ngại trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan tràn. Thực tế gần đây cho thấy, nhiều kẻ xấu đã cố tình tung ra tin giả để bán hàng, hoặc gây hoang mang trong cộng đồng nhằm trục lợi. Một số kẻ khác lại quảng bá các biện pháp chữa bệnh không đúng sự thật, có thể gây nguy hiểm nếu người dùng làm theo. Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ lưỡng về những điều bạn được đọc và chỉ chia sẻ tin tức mà bạn ý thức được nó là đáng tin cậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Facebook chỉ ra 10 điểm giúp người dùng nhận biết tin giả, tin sai sự thật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.