Theo dõi Báo Hànộimới trên

EVFTA đã đi vào cuộc sống

Vĩnh Hà| 13/09/2020 06:17

(HNM) - Sau một tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (từ ngày 1-8-2020), các đơn vị chức năng đã cấp hơn 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), xuất đi 28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), với tổng kim ngạch 277 triệu USD. Để hiểu rõ hơn về kết quả này, cũng như những việc cần làm trong thời gian tới nhằm tận dụng tối đa cơ hội EVFTA mang lại, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang.      Ảnh: Hà Nguyễn

Tín hiệu vui cho xuất khẩu

- Bà đánh giá thế nào trước con số hơn 7.200 bộ C/O được cấp trong tháng 8-2020, với tổng kim ngạch 277 triệu USD xuất khẩu đi 28 nước EU được công bố mới đây?

- Tôi có thể chia sẻ thêm thông tin là nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi của EVFTA. Đây rõ ràng là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy EVFTA đã đi vào đời sống và tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu của nước ta. Đây cũng là những con số chưa từng có từ trước tới nay, cho thấy mức độ quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam tới thị trường EU, đồng thời cũng cho thấy hàng hóa Việt Nam có sức hấp dẫn với thị trường này. Chúng ta có thể hy vọng thời gian tới, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19, số lượng C/O được cấp sẽ còn tăng cao nữa.

- Những ngành nào đang có mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường EU, thưa bà?

- Căn cứ vào các C/O được cấp cho hàng hóa xuất khẩu sang EU có thể thấy, diện mặt hàng đến với thị trường này khá rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực là thế mạnh của nước ta. Cụ thể như các sản phẩm: Dệt may, giày dép, nhựa và các sản phẩm nhựa, đồ điện tử, các loại nông sản, thủy sản, rau quả và các sản phẩm mây tre, đan...

- Bà có thể cho biết, là đơn vị đầu mối thực thi EVFTA, Bộ Công Thương đã thể hiện vai trò ra sao để có được kết quả bước đầu này?

- Kết quả này có được trước hết vì EVFTA là hiệp định mà Việt Nam đã đàm phán được với đối tác EU những cam kết mở cửa thị trường sâu, rộng, nhiều ưu đãi, được cộng đồng doanh nghiệp mong đợi. Kết quả này là do chúng ta chủ động triển khai thực thi EVFTA ngay từ những ngày đầu được ký kết.

Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi EVFTA tại Việt Nam, đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có thể kể đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các quy định tại hiệp định; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu sang EU… Bên cạnh đó, Bộ đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để tuyên truyền, phổ biến về các quy định của hiệp định, giúp doanh nghiệp nắm rõ lộ trình giảm thuế, quy tắc xuất xứ để có hướng tận dụng tối đa ưu đãi. Bộ cũng phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng và địa phương tập huấn quy tắc xuất xứ theo nhóm hàng hoặc theo thế mạnh xuất khẩu của từng địa phương…

- Được biết, việc cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu sang EU có nhiều điểm mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bà có thể nói rõ hơn?

- Ngay khi EVFTA được ký kết, Bộ Công Thương đã sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ trong EVFTA. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, trong đó quy định rõ đối với các lô hàng xuất khẩu sang EU có trị giá trên 6.000 euro, nhà xuất khẩu phải có C/O mẫu EUR.1 do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Quá trình khai báo và chứng nhận C/O mẫu EUR.1 được thực hiện tương tự như các mẫu C/O hiện hành. Còn đối với các lô hàng từ Việt Nam xuất khẩu sang EU có giá trị không quá 6.000 euro thì bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ và đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ trên hệ thống quản lý của Bộ Công Thương.

Trên thực tế, quy tắc về xuất xứ trong EVFTA được xây dựng dựa trên cơ chế ưu đãi mà EU dành cho Việt Nam nhiều năm nay. Do đó, với các doanh nghiệp đã tham gia xuất khẩu hàng hóa sang EU, quy tắc này không quá lạ lẫm, nhất là sau khi tham gia các khóa tập huấn chuyên sâu của Bộ Công Thương.

Tận dụng tối đa, gặt hái những “mùa vàng” bội thu

- Từ kết quả này, bà đánh giá ra sao về sự vào cuộc của các doanh nghiệp Việt Nam?

- Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị tốt hồ sơ đề nghị cấp C/O mẫu EUR.1 vào ngày đầu tiên Thông tư số 11/2020/TT-BCT có hiệu lực. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã nhận thức rõ lợi ích từ hiệp định nên vào cuộc mạnh mẽ để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU. Cũng từ thực tế diện mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 khá rộng cho thấy doanh nghiệp ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực đã quan tâm và tận dụng ưu đãi từ hiệp định.

Với hành lang pháp lý thuận lợi cũng như việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về EVFTA tới doanh nghiệp, nhận thức của doanh nghiệp đã thay đổi rõ rệt. Trước khi có Thông tư 11/2020/TT-BCT, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chỉ dự kiến đề nghị cấp C/O ưu đãi theo yêu cầu của đối tác nước ngoài. Một số doanh nghiệp khác chưa thực sự quan tâm tới EVFTA. Nhưng sau khi được hướng dẫn cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu quy tắc xuất xứ hàng hóa của EVFTA để xây dựng kế hoạch kinh doanh và đầu tư sản xuất. Như vậy, sự tích cực, chủ động của doanh nghiệp là rất rõ.

- Về phía các nhà nhập khẩu EU đón nhận hàng hóa Việt Nam như thế nào, thưa bà?

- Bản thân các doanh nghiệp nhập khẩu EU cũng rất quan tâm đến việc tận dụng ưu đãi thuế quan của hiệp định để nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Các nhà nhập khẩu của EU đã làm việc với các doanh nghiệp của Việt Nam từ rất sớm để có thể vận chuyển trước các lô hàng và thông quan vào đúng ngày 1-8, ngay khi EVFTA có hiệu lực. Việc này thực hiện được là do hiệp định có quy định cho phép áp dụng ưu đãi thuế quan cho các lô hàng đang trong quá trình vận chuyển, lưu kho tạm thời... Đây là một trong những lý do khiến các lô hàng xuất khẩu đi EU tăng mạnh ngay trong tháng đầu tiên EVFTA có hiệu lực.

- Những kết quả bước đầu này là tín hiệu tích cực, mang đến nhiều hứng khởi, đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp. Tiếp theo đây chúng ta cần làm gì để gặt hái những “mùa vàng” từ EVFTA, thưa bà?

- Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, triển khai những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng EVFTA; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA; nghiên cứu, hiện đại hóa việc cấp C/O mẫu EUR.1, áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ; đẩy mạnh xây dựng pháp luật, thể chế đồng thời phối hợp chặt chẽ với phía EU để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi hiệp định.

Trong thời gian tới, một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU; chú trọng đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định; minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất; đặc biệt bảo đảm quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang EU.

Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoặc phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước. Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, tham gia các hoạt động phổ biến, tuyên truyền về EVFTA để có thể hiểu rõ và thực hiện đúng hiệp định. Đồng thời, doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm nguồn nguyên liệu cũng như bạn hàng mới, mở rộng chuỗi cung ứng trong khu vực cũng như mở rộng thị trường tới những nước EU mà trước đây chưa hoặc ít khai thác.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EVFTA đã đi vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.