Ngày 19-8, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố, Liên minh châu Âu (EU) không công nhận những kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Belarus.
Phát biểu vào cuối hội nghị trực tuyến của các nhà lãnh đạo EU, ông Michel cũng nói thêm rằng: "EU sẽ sớm áp đặt các lệnh trừng phạt với một số đối tượng chịu trách nhiệm về các hành vi bạo lực, đàn áp và gian lận bầu cử".
Hội nghị thượng đỉnh 27 nhà lãnh đạo EU diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình tại Berarus nhằm phản đối Tổng thống đắc cử Alexandre Loukachenko bước sang ngày thứ 11.
Tình hình bất ổn tại Belarus nảy sinh kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống nước này.
Theo kết quả chính thức do Ủy ban Bầu cử trung ương công bố, Tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ.
Tiếp đến là bà Svetlana Tikhanovskaya, nhận được 10,12% số phiếu. Bà Tikhanovskaya tuyên bố không chấp nhận kết quả bầu cử.
Ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu sơ bộ, các cuộc biểu tình đông người đã diễn ra tại các thành phố và biến thành xô xát với cảnh sát. Hơn 6.700 người đã bị bắt giữ và hàng trăm người bị thương, trong đó có hơn 120 nhân viên thực thi pháp luật.
Hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của Ủy ban Bầu cử trung ương Belarus ngày 19-8 cho biết, nhà lãnh đạo Alexander Lukashenko sẽ làm lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ mới trong vòng 2 tháng tới, song vẫn chưa ấn định thời điểm tổ chức sự kiện.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus, đồng thời cho rằng, hành động này là không thể chấp nhận được.
Ông Peskov nhấn mạnh, tình hình bất ổn tại Belarus là một vấn đề nội bộ nên cần được giải quyết bởi chính người Belarus.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày cũng cáo buộc các thế lực nước ngoài lợi dụng cuộc khủng hoảng hiện nay để can thiệp vào tình hình nội bộ của Belarus, đồng thời cho rằng, không cần bất cứ sự trung gian bên ngoài nào để giải quyết tình hình bất ổn ở quốc gia Đông Âu này.
Các hãng thông tấn TASS và Interfax của Nga dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov nhận định, những tuyên bố của các quốc gia thuộc EU bị chi phối bởi yếu tố địa chính trị và ông hy vọng rằng, phe đối lập ở Belarus sẵn sàng tham gia đàm phán với chính quyền hiện nay.
Trong các cuộc điện đàm hôm 18-8 với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về tình hình Belarus, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, những can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus từ bên ngoài chỉ làm leo thang căng thẳng và không thể chấp nhận được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.