(HNM) - Trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) đang thiếu sự đoàn kết và có nguy cơ chia rẽ, cùng với sự kiện Anh rời khỏi khối (Brexit), Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã đưa ra thông điệp mới, nhằm định hướng phát triển cho một trong những liên minh lâu đời và hùng mạnh nhất trên thế giới.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đưa ra thông điệp mới về phát triển EU tại phiên họp của Nghị viện Châu Âu. |
Theo đó, Chủ tịch EC Juncker kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên EU sử dụng đồng tiền chung euro và giúp đỡ những thành viên yếu kém cả về mặt tài chính và kỹ thuật. Ông Juncker mong muốn, 27 nước thành viên còn lại của “ngôi nhà chung” tham gia Liên minh Ngân hàng EU, tạo một hệ thống giám sát đồng nhất cho toàn khối và hệ thống tiêu chuẩn chung về các chính sách lao động và xã hội. Ý tưởng thành lập một cơ quan chuyên trách về lao động chung cho toàn khối cũng được nêu trong thông điệp. Về sự kiện Brexit, ông Juncker cho rằng, đây là một "tấn bi kịch" mà chính người Anh, những người đã bỏ phiếu lựa chọn ra đi phải hối hận. Nhưng điều đó sẽ không cản trở tiến trình hòa nhập thành một khối thống nhất của các quốc gia còn lại trong EU, đặc biệt khi các điều kiện hiện tại đều đang rất thuận lợi. Ông kêu gọi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh EU vào ngày 30-3-2019, ngay sau khi Anh chính thức không còn là thành viên của liên minh.
Ý tưởng của ông Juncker về việc mở rộng khu vực đồng euro đến cả những nước chưa sử dụng đồng tiền chung duy nhất thực ra không hề mới. Trên thực tế, Hiệp ước Lisbon khuyến khích mọi quốc gia có thiện chí và đủ điều kiện có thể tham gia dự án đồng tiền chung duy nhất. Tuy nhiên, hiện các vấn đề của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) hay cuộc khủng hoảng nhập cư đã trở thành những chủ đề gây bất đồng gay gắt giữa các quốc gia thành viên. Đan Mạch đã đàm phán để không phải sử dụng đồng tiền chung Châu Âu. Bốn quốc gia khác như Croatia, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Romania muốn gia nhập nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết. Số khác lại không có ý định tham gia Eurozone như Ba Lan, Hungary hay Thụy Điển.
Bên cạnh đó, thông điệp của ông Juncker trình bày tầm nhìn về tương lai Châu Âu khác với ý tưởng về một Châu Âu hai tốc độ vốn được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiệt tình ủng hộ. Chủ tịch EC đương nhiệm đã phản đối mạnh mẽ việc thành lập một Nghị viện Eurozone, được nước Pháp chủ trương từ nhiều đời tổng thống trước và cũng là quan điểm mà Tổng thống E.Macron đưa ra trong chuyến công du đến Athens (Hy Lạp) vào tuần trước. Theo ông Juncker, Nghị viện Eurozone cũng chính là Nghị viện Châu Âu. Quan điểm của nước Pháp nhắm vào những nội dung còn nhiều bất đồng như vấn đề lao động “biệt phái” (lao động di cư trong nội khối EU) là nguyên nhân tạo nên sự ngăn cách giữa Đông và Tây trong EU. Trong khi đó, Chủ tịch EC cho rằng, mục đích đầu tiên là bảo toàn sự thống nhất của liên minh 27 nước thời hậu Brexit và việc ổn định về kinh tế, chính trị sẽ cho phép tạo ra những nhịp cầu mới.
Có thể thấy, bên cạnh quyết tâm cùng thiện chí đầy lạc quan, không thể phủ nhận rằng vào thời điểm này, Châu Âu đang đứng trước một "cơn bão" khi phải đối mặt với sự bất hòa và nghi ngờ của người dân. Brexit, cũng như làn sóng người di cư, sự trì trệ của nền kinh tế, các vụ tấn công thánh chiến và bất đồng chính trị đang được xem là những thách thức lớn nhất trong 60 năm tồn tại, khiến liên minh phải trải qua một thời kỳ đầy khó khăn. Những thử thách này đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ và cần được chuyển thành những hành động cụ thể, có hiệu quả để EU tiếp tục tồn tại và bảo tồn các giá trị nền tảng cốt lõi của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.