(HNM) - Liên minh Châu Âu (EU) và Cuba vừa đạt được
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Mỹ của Cơ quan Đối ngoại EU, Christian Leffler cho biết, với tinh thần xây dựng, hai bên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thu hẹp khác biệt về lập trường để tiến đến một tầm nhìn chung về hợp tác song phương. Hợp tác là một trong ba trọng tâm mà cả hai bên đều nhất trí đưa ra thảo luận trong thỏa thuận đầu tiên giữa Cuba và EU cùng với các vấn đề chính trị - thể chế và thương mại. Dự kiến, hai bên sẽ tiếp tục vòng đàm phán thứ ba vào tháng 12 năm nay tại La Habana (Cuba) để thảo luận các vấn đề hợp tác và thương mại, cũng như những vấn đề chính trị nhạy cảm.
Cuba đã có những bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. |
Quan hệ giữa Cuba và EU trở nên căng thẳng sau khi khối liên minh kinh tế chính trị áp đặt hàng loạt quy tắc giới hạn mối quan hệ thương mại và ngoại giao với quốc gia Nam Mỹ này vào năm 1996. Năm 2003, EU chính thức đình chỉ quan hệ với Cuba. Đến năm 2008, mặc dù hai bên đã nối lại đối thoại nhưng quan hệ song phương vẫn bế tắc. Từ đó đến nay, EU đã viện trợ phát triển cho Cuba khoảng 80 triệu euro (tương đương khoảng 110 triệu USD). Tháng 11-2012, EU đã nhất trí khởi động tiến trình thương lượng một thỏa thuận song phương với Cuba. Hai năm sau đó, đầu tháng 2-2014, các quan chức EU tuyên bố liên minh đã sẵn sàng cải thiện quan hệ với quốc đảo Caribe nhằm mở rộng các khuôn khổ hợp tác. Theo đó, hai bên sẽ tiến hành đối thoại để hướng tới ký kết một hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương, có tên gọi là "Hiệp định Hợp tác và Đối thoại chính trị", nhằm mở đường cho quan hệ kinh tế và thương mại sâu rộng hơn. Quyết định nói trên là sự thay đổi có ý nghĩa nhất về ngoại giao kể từ khi EU dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba năm 2008. Điều này hứa hẹn những bước tiến lớn hơn trong quan hệ giữa EU và Cuba trong tương lai.
Các nhà phân tích nhận định, những suy tính lợi ích đã khiến EU điều chỉnh chính sách với Cuba trong bối cảnh nước này ngày càng chủ động mở cửa và có những thành công nhất định trong quá trình cải cách kinh tế - xã hội. Dẫn chứng gần đây nhất là việc Cuba tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế (BIT 2014) tại Milan (Italia) để quảng bá tiềm năng du lịch với thị trường Châu Âu khi ngày càng có nhiều du khách Châu Âu đến nghỉ dưỡng tại nước này. Một hướng đi mới mà Chính phủ Cuba đang thực hiện là chuẩn bị mở cửa Khu Phát triển đặc biệt tại cảng Mariel nhằm thu hút nguồn vốn nước ngoài, sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Khu cảng Mariel (dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014) sẽ trở thành một trong những trục thương mại lớn của khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Cùng với đó, luật đầu tư nước ngoài mới mang tính cởi mở hơn đã được thông qua vào cuối quý I-2014. Những biện pháp kinh tế này được dự đoán sẽ đem lại cho quốc đảo nhiều cơ hội kinh doanh cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans từng khẳng định Cuba đã có những thay đổi quan trọng và đây là thời điểm để EU cải thiện quan hệ với nước này.
Trong khi đó, xét về trao đổi thương mại, theo thống kê, Châu Âu là đối tác lớn thứ hai của Cuba (sau Venezuela). Hàng hóa xuất khẩu của Lục địa già sang Cuba lên đến 2 tỷ euro với khoảng 20% lượng hàng hóa nhập khẩu vào nước này có xuất xứ từ EU. Trong tình hình khủng hoảng nợ công, tình trạng thất nghiệp lan rộng ở EU thì việc tìm được thị trường tiêu thụ hàng hóa là điều rất cần thiết. Hơn thế, EU cũng không muốn mình là kẻ chậm chân tại Cuba, hay nói rộng ra là tại khu vực Mỹ Latinh khi mà sự hiện diện của Trung Quốc ở đây đang gia tăng nhanh chóng. Ngược lại, Cuba cũng có thể hưởng lợi từ việc cải thiện quan hệ với EU để nâng cao vị thế quốc tế.
Thế giới đang chờ đợi những bước tiến lớn hơn trong quan hệ EU - Cuba. Điều đó không chỉ đem lại lợi ích cho hai đối tác này mà còn có thể tạo ra bầu không khí thuận lợi hơn cho việc cải thiện mối quan hệ vẫn căng thẳng giữa Mỹ và Cuba.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.