(HNM) - Ngày 17-6, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) họp tại trụ sở ở Brussels (Bỉ) trong tâm trạng rối bời khi cả khu vực đang đứng trước nguy cơ bị "sóng nợ" nhấn chìm.
Eurozone đang bị chao đảo do khủng hoảng nợ. |
Đây là lý do khiến chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh lần này chỉ xoay quanh tình hình tài chính của khu vực. Trong đó tập trung vào những giải pháp có tính kỷ luật để giám sát tình hình tài chính quốc gia tại châu Âu nhằm khôi phục niềm tin với đồng euro và giúp giải ngân Quỹ chống khủng hoảng gần 1.000 tỷ USD. Song song đó là kế hoạch kiểm tra khả năng thanh khoản của các ngân hàng. Tuy nhiên, những nỗ lực của các nhà lãnh đạo EU khó có thể đảo ngược được xu hướng bi quan của thị trường hiện nay khi "khủng hoảng ngân sách" đang trở thành cụm từ đáng sợ nhất đối với các nhà đầu tư khu vực châu Âu.
Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, bầu không khí lo âu lại thêm phần ngột ngạt vì có tin Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ 5 tại châu Âu - đang chuẩn bị kêu gọi khoản cứu trợ có thể còn lớn hơn nhiều so với khoản 110 tỷ euro dành cho Hy Lạp. Mặc dù, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero khẳng định, xứ sở bò tót vẫn hoàn toàn có khả năng trả nợ, với sự tín nhiệm quốc tế cao. Các nhà lãnh đạo EU cũng phủ nhận "hung tin" từ Tây Ban Nha và cố gắng gửi đi những tín hiệu lạc quan trước cuộc họp, song trên thực tế, thật khó để xóa bỏ mối hoài nghi khi những món nợ hàng nghìn tỷ đang treo lơ lửng trên "đầu" nhiều quốc gia trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Trong khi đó, kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp bùng phát đến nay đã ngót 4 tháng. Nhiều cuộc họp đã được tổ chức, nhiều biện pháp được đề xuất, bao gồm cả biện pháp mạnh tay như tăng cường trừng phạt với các nước thành viên không tuân thủ các quy định về hạn chế nợ quốc gia và giảm mức thâm hụt ngân sách. Thậm chí Eurozone đã dựng lên cả một "con đê" trị giá gần 1.000 tỷ USD nhưng xem ra vẫn chưa thấm vào đâu so với sức công phá của "sóng nợ".
Khi các liệu pháp đưa ra đều ít mang lại hiệu quả thì giảm chi ngân sách hiện đang được coi như chiếc đũa thần đưa châu Âu ra khỏi giai đoạn bất ổn hiện nay. Một loạt quốc gia từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland đến Hungary, Romania... nhanh chóng lao vào thời kỳ "thắt lưng buộc bụng" đầy khắc khổ với hy vọng tránh được vết xe đổ của Hy Lạp. Ngay cả những người khổng lồ của khu vực như Đức, Anh, Pháp cũng đã lần lượt công bố kế hoạch cắt giảm chi tiêu công khổng lồ.
Phe ủng hộ việc cắt giảm ngân sách trấn an rằng bức tranh thực tế không hẳn sẽ là quá tồi tệ. Ví dụ điển hình là biện pháp giảm thâm hụt khoảng 80 tỷ euro của Đức sẽ được thực hiện trong vòng 4 năm. Theo tính toán thì mục tiêu tiết kiệm ngân sách sẽ đạt được sớm vào năm 2013 hay chậm nhất vào cuối năm 2014, trong khi đó ngay năm sau thì Đức có thể gặt hái hiệu quả từ việc giảm thâm hụt ngân sách 11,2 tỷ euro, ít hơn 0,5% GDP. Nếu đạt được mục tiêu như dự tính, Đức sẽ xua tan được mối nghi ngại mức thâm hụt có thể lên đến 1,5-2% GDP trong năm nay.
Tuy nhiên, giới đầu tư quan ngại sự cắt giảm quá hà khắc sẽ là con dao hai lưỡi, đẩy các nền kinh tế rơi trở lại vùng suy thoái. Nhất là trong bối cảnh kinh tế Eurozone bị đình đốn, tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn 10% - mức cao nhất từ 12 năm trở lại đây, siết chặt lại các khoản chi tiêu công cộng không khác nào giáng thêm cho nền kinh tế đang gặp khó khăn này thêm một đòn đau. Đây là lý do khiến nhiều chuyên gia cho rằng, biện pháp "giảm béo" mà các nước châu Âu đang áp dụng sẽ gây ra cuộc khủng hoảng kép kinh tế - xã hội và đẩy lục địa già trở về thời kỳ tồi tệ của những năm 1930.
Từ cuối năm 2009, khi suy thoái toàn cầu chạm đáy, nền kinh tế thế giới đã phát đi những tín hiệu lạc quan cho thấy đà hồi phục nhưng vẫn trong tình trạng mong manh. Hiện dư luận đang lo ngại, tình trạng nợ công cao và thâm hụt ngân sách lớn tại các nước thành viên EU có thể tạo ra hiệu ứng domino kéo thế giới vào một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.