Thế giới

EU áp lệnh trừng phạt thứ 18 với Nga:Nhiều hoài nghi về tính hiệu quả

Thùy Dương 20/07/2025 - 07:08

Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Liên bang Nga sau khi Slovakia dỡ bỏ quyền phủ quyết.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, gói trừng phạt mới nhất của EU đối với Nga trong lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng dù đáng chú ý về mặt quy mô, nhưng mang lại nhiều hoài nghi về tính hiệu quả.

nga-1.jpg
Để ứng phó với các lệnh trừng phạt, Nga đã mở rộng xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc và các nước Trung Á. Ảnh: TASS

Gói trừng phạt của EU lần này bao gồm việc hạ mức trần giá dầu của Nga từ 60 USD xuống 47,6 USD mỗi thùng. Mức trần này Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã áp đặt vào cuối năm 2022 nhằm hạn chế doanh thu dầu mỏ của Nga nhưng chỉ mang tính biểu tượng vì hầu hết dầu thô của Mátxcơva có giá thấp hơn mức đó.

Gói trừng phạt thứ 18 còn bao gồm hành động đối với 105 tàu thuộc “hạm đội bóng tối” của xứ sở Bạch Dương và những tổ chức hỗ trợ, hệ thống ngân hàng Nga, cũng như với các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 dưới biển Baltic. "Thông điệp rất rõ ràng: Châu Âu sẽ không lùi bước trong việc ủng hộ Ukraine. EU sẽ tiếp tục gia tăng áp lực cho đến khi Nga chấm dứt xung đột", Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Kaja Kallas nhận định, đồng thời cho biết, đây là "một trong những gói trừng phạt mạnh nhất đối với Nga cho đến nay".

EU đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt đối với Nga kể từ khi Mátxcơva thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhưng thường khó đạt được sự đồng thuận, vì các biện pháp nhằm vào Nga gây tổn hại đến nền kinh tế của 27 quốc gia thành viên. Mặt khác, việc thông qua các gói trừng phạt đòi hỏi sự đồng thuận tuyệt đối, trong các lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh giữa các nước thành viên có nhiều khác biệt.

Hungary, Slovakia, Áo - những nước có mối quan hệ kinh tế mật thiết và phụ thuộc vào năng lượng của Nga, đã phản đối mạnh mẽ khi cho rằng, các biện pháp hiện tại đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong nước và không mang lại hiệu quả rõ ràng trong việc làm suy yếu Nga. Slovakia đã phủ quyết gói trừng phạt mới nhất đến 6 lần do lo ngại về các đề xuất ngừng cung cấp khí đốt của Nga, vốn là nguồn cung cấp chủ yếu của nước này. Cùng với đó, sau 17 gói trừng phạt, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu bắt đầu nghi ngờ về tính hiệu quả của các biện pháp này.

Thực tế, Mátxcơva vẫn duy trì được khả năng tài chính, sản xuất vũ khí và tiếp tục chiến sự tại Ukraine. Nga đã nhanh chóng thích nghi với các trừng phạt, chuyển hướng thương mại sang Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Trung Á. Thực tế, Nga vẫn bán được phần lớn lượng dầu mỏ với giá cao hơn mức trần trước đó. Thặng dư thương mại của Nga vẫn dương, đồng rúp được kiểm soát và nhiều mặt hàng bị cấm vận từ châu Âu đã được thay thế bởi hàng hóa từ các nước ngoài phương Tây. Những điều này khiến các nhà hoạch định chính sách EU cảm thấy hoài nghi về việc tiếp tục gia tăng trừng phạt.

Đánh giá về gói trừng phạt thứ 18, Dmitry Kasatkin, đối tác quản lý của Kasatkin Consulting nhận định, các lệnh trừng phạt đối với 105 tàu chở dầu là sự tiếp nối các hạn chế trước đó (189 tàu chở dầu trong gói thứ 17). Mặt khác, hiệu quả thực sự không phụ thuộc vào số lượng tàu trong danh sách, mà ở khả năng của EU và các nước G7 trong việc kiểm soát bảo hiểm, bảo trì và bốc xếp hàng hóa của các tàu này. Ngay cả khi một phần đội tàu bị phá sản, Nga vẫn sẽ tìm được tàu thay thế dù giá cước tăng và chi phí hậu cần đắt đỏ hơn.

Trên thực tế, Nga và các bên mua từ lâu đã tham gia giao dịch với các khoản thanh toán ngoài đồng USD và hệ thống SWIFT. Quan trọng hơn là Mỹ không tham gia vào kế hoạch của EU nhằm hạ giá trần dầu mỏ của Nga. Nếu không có sự phối hợp với Washington, mức trần 47,6 USD/thùng sẽ vẫn là một lập trường khuyến nghị của EU, vốn không có hiệu lực pháp lý đầy đủ ở cấp độ toàn cầu.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đã xây dựng được khả năng miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt của phương Tây và đã thích nghi với chúng. Ông Dmitry Peskov gọi các lệnh trừng phạt này là bất hợp pháp, lưu ý mỗi hạn chế mới đều gây ra hậu quả tiêu cực cho những quốc gia ủng hộ chúng.

EU áp lệnh trừng phạt thứ 18 đánh mạnh vào nguồn thu dầu mỏ của Nga trong bối cảnh chiến tranh Ukraine leo thang. Dẫu vậy, cơ chế hiện tại không rõ ràng về ai sẽ chịu trách nhiệm giám sát thực thi lệnh trừng phạt. Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS nhận định: "Việc áp giá trần cho dầu mỏ của Nga lẫn việc đưa các tàu chở dầu của đội tàu ngầm vào danh sách trừng phạt đều không làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu của nước này, vì vậy thị trường vẫn còn hoài nghi về tác động của các lệnh trừng phạt mới nhất".

(Theo Economic Times, Kyiv Independent, Aljazeera)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    EU áp lệnh trừng phạt thứ 18 với Nga: Nhiều hoài nghi về tính hiệu quả

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.