(HNM) - 48 giờ cuối cùng của một năm đầy sóng gió đang trôi nhanh, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đón tín hiệu vui đầu tiên trong năm mới 2011 với sự kiện Estonia (từ ngày 1-1-2011) trở thành thành viên thứ 17 của "câu lạc bộ" có tầm ảnh hưởng toàn cầu này.
Là quốc gia đầu tiên ở khu vực Baltic sử dụng đồng euro, đất nước 1,3 triệu dân đã hoàn thành giấc mơ từng dang dở vào năm 2007, khi ước muốn gia nhập Eurozone bị từ chối do nền kinh tế Estonia chao đảo bởi lạm phát quá cao.
Do đó, quyết định của Liên minh châu Âu (EU) được xem là kết thúc có hậu với đất nước du lịch bên bờ Baltic. Để giã từ đồng kroon truyền thống, Tallinn đã phải đánh đổi không ít để đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về lạm phát, lãi suất, mức thâm hụt ngân sách vào hàng thấp nhất trong toàn bộ 27 thành viên EU, khoản nợ quốc gia ở ngưỡng đáng mơ ước 7,2% GDP và sự ổn định tiền tệ trong một thời gian dài.
Tallinn hy vọng gia nhập Eurozone sẽ có thêm lợi thế để thúc đẩy kinh tế. |
Chiếm phần rất nhỏ trong nền kinh tế trị giá 10 nghìn tỷ euro của Eurozone và cũng từng tan tác bởi cơn bão khủng hoảng tài chính thế giới, sự kiện Estonia được Eurozone đón nhận vào thời điểm châu Âu đang cố rút chân khỏi vũng lầy nợ nần có ý nghĩa đặc biệt. Nó được nhìn nhận như một lựa chọn "lợi cả đôi đường" cho cả Estonia lẫn Eurozone.
Với quốc gia vùng Baltic, nói gì thì nói, việc về chung mái nhà với 16 thành viên có tiếng nói đầy sức nặng đã củng cố vị thế của một thành viên được xem là trẻ trong EU như Estonia. Cho dù đang thất điên bát đảo trong cơn lốc nợ, euro vẫn là một trong những đồng tiền mạnh nhất thế giới. Tham gia vào hệ thống tiền tệ có tầm cỡ bậc nhất hành tinh không chỉ đánh dấu sự hòa nhập sâu rộng hơn của Tallinn vào các cơ chế thuộc một trụ cột kinh tế toàn cầu mà còn mở ra những cánh cửa hợp tác mới. Khi đã là một mắt xích của Eurozone, Estonia sẽ được hưởng các lợi thế của một thành viên như: sự ưu đãi từ các nhà đầu tư nước ngoài, tránh được nguy cơ phá giá đồng nội tệ hay mức lãi suất thấp cho cả khu vực kinh tế công và tư nhân... Quan trọng hơn cả là dù có đong đi đếm lại thì lợi ích mà Tallinn có được vẫn lớn hơn mối đe dọa phải chung lưng gánh vác khó khăn mà Eurozone đang chống đỡ.
Với Eurozone, sự kiện kết nạp Estonia trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều đồn đoán về khả năng tan rã là một bằng chứng cho thấy niềm tin vào đồng euro - biểu tượng sức mạnh của Lục địa già thật sự chưa vơi cạn. Thêm vào đó, chiêu nạp Estonia còn là câu trả lời thuyết phục nhất vào lúc này từ Eurozone về quyết tâm ngăn khủng hoảng nợ đang lây lan; đồng thời khẳng định đà tiến bước của Eurozone về phía đông và rằng Eurozone luôn rộng mở và không phân biệt đối xử với tất cả các thành viên EU.
Thế nhưng, sẽ là sai lầm nếu tin rằng động thái nhất cử lưỡng tiện trên là cứu tinh cho Eurozne trong bối cảnh hiện nay. Việc ghi danh Estonia chưa thể xoa dịu những chỉ trích cho rằng, để thực hiện tham vọng nhất thể hóa về kinh tế bằng mọi giá, lãnh đạo khối này đã chấp nhận những thành viên chưa đủ chuẩn. Bằng chứng là 10 năm sau khi tham gia Eurozne với mức nợ công lên tới 104% GDP, vượt xa mức trần 60% trong Hiệp ước Maastricht, Hy Lạp đã trở thành "tội đồ" đầu tiên hủy hoại danh tiếng đồng euro. Đây là bài học với Estonia, đủ để Tallinn thấy rằng gia nhập Eurozone không có nghĩa là khả năng phá sản bị loại bỏ. Tất nhiên, những biến thể tiếp theo của Hy Lạp là điều không mong muốn. Vì thế, một chính sách kinh tế nhất quán đang là đòi hỏi cấp bách tại Eurozone khi độ chênh lệch về phát triển giữa các quốc gia đã lộ rõ trong giấc mơ về đồng tiền chung châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.