Sau khi ghé thăm thành phố Trapani, nhiều du khách thường đến với làng Erice chỉ cách thành phố một chuyến tàu dây cáp. Ngôi làng nằm trên ngọn núi cùng tên, từ lâu được coi là một trong những làng mạc đẹp nhất nước Ý.
Làng Erice tuy nhỏ bé nhưng lại là nơi đặt không ít công trình kiến trúc cổ kính. Có thể kể đến nhà thờ Erice với những mái vòm Gothic, hay bảo tàng Antonio Cordici vốn là tu viện dòng Phan Sinh, và trước đó nữa là đền thờ thần Vệ Nữ. Ngay cả các ngôi nhà đặt hai bên những con đường chật hẹp, quanh co của Erice cũng đẹp đến mức có thể là những bài giảng trực quan cho các kiến trúc sư. Du khách cũng nên ghé qua khu Quartieri Spagnoli, nơi những binh lính và thương nhân Tây Ban Nha sống tập trung vào thế kỷ XVIII. Ngoài những ngôi nhà kiểu Tây Ban Nha rất đẹp, Quartieri Spagnoli còn là “trái tim” của các hoạt động cộng đồng ở Erice, đồng thời là nơi để du khách tìm mua thảm đan tay và đồ gốm truyền thống làm kỷ niệm.
Lâu đài Erice đứng chênh vênh trên đỉnh núi từ lâu đã là điểm đến du lịch nổi tiếng của toàn Sicily. Trong thần thoại Hy Lạp, núi Erice được cho là “đất thiêng” của nữ thần Aphrodite và ngay từ thế kỷ X trước Công nguyên đã có một đền thờ Aphrodite trên đỉnh núi. Sau khi người Norman chinh phục miền nam nước Ý vào cuối thế kỷ XII, họ xây một pháo đài trên nền đền thờ cũ. Pháo đài đã đổi chủ nhiều lần, và mỗi triều đại đều để lại dấu ấn riêng. Nhiều vị khách thích leo núi chọn lâu đài Erice là điểm kết thúc hành trình chinh phục đỉnh Erice. Một buổi chiều tham quan lâu đài, sau đó ngắm nhìn khung cảnh hoàng hôn ở biển sẽ xóa sạch mọi sự mệt mỏi của người leo núi.
Vào thời Trung cổ, các thầy tu sống ở những tu viện trên núi Erice hay kiếm sống bằng cách làm kẹo. Các công thức làm kẹo của họ theo thời gian lan truyền ra bên ngoài và biến Erice trở thành vùng làm bánh kẹo truyền thống nổi tiếng. Đầu tiên phải nhắc đến dolci ericini, một loại bánh hạnh nhân bên trong là mứt chanh. Hay là genovesi ericine - bánh bích quy mềm làm từ bột mì, mật ong và lá đinh hương, bên trong là nhân kem sữa trứng, phía ngoài rắc đường bột. Và cuối cùng là frutta martorana, tức kẹo hạnh nhân được nặn thành hình và tô màu trông không khác gì hoa quả thật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.