Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ðể ước mơ không còn xa vời

Bảo Châu| 18/09/2022 05:14

(HNNN) - Người Việt ta có câu “an cư lạc nghiệp”, tuy nhiên, với nhiều người, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, giấc mơ “an cư” tại Hà Nội dường như còn khá xa vời. Hà Nội Ngày nay đã ghi lại ý kiến của các chuyên gia và người dân để cùng hướng đến những giải pháp giúp người có thu nhập thấp dần hiện thực hóa ước mơ “có nhà”.

Con em của các gia đình công nhân tự chơi, chăm sóc nhau trong căn phòng trọ.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Tiến, Trưởng bộ môn Kinh tế tài nguyên và bất động sản, Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội:
Rà soát chính sách và chất lượng nhà ở xã hội

Trong bối cảnh giá nhà ở đang vượt quá xa thu nhập của người dân, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn, vừa góp phần bảo đảm an sinh xã hội, vừa giúp bình ổn thị trường bất động sản. Bên cạnh một số kết quả đáng ghi nhận, việc đầu tư nhà ở xã hội còn đang gặp khó khăn không nhỏ, nhất là về quỹ đất, nguồn tài chính và sự bất cập trong các quy định hiện hành. Chưa kể, người có thu nhập thấp gặp rất nhiều khó khăn vì chính sách, thủ tục pháp lý đăng ký mua nhà còn rườm rà, nặng về thủ tục hành chính. Hơn nữa, chất lượng nhà thu nhập thấp hiện có nhiều vấn đề. Tôi đã quan sát một số khu nhà ở xã hội thì thấy nhiều nhà sau khoảng 5 năm đi vào sử dụng là đã xuống cấp như tường tróc vữa, nhà vệ sinh ngấm nước, thạch cao bị bong...

Nhiều người nói “tiền ít thì nhà có thế thôi”, theo tôi, điều đó chưa hẳn đúng. Xây nhà ở xã hội, điều quan trọng nhất chính là tâm đức từ phía chủ đầu tư. Tôi nghĩ, nhà thu nhập thấp phải trong chất lượng cho phép, không thể để nhà thu nhập thấp mà chất lượng thấp phải sửa sang nhiều thì tính ra chi phí có thể cao hơn so với nhà ở thương mại.

Với người ở “tỉnh lẻ” lên Thủ đô lập nghiệp thì việc có một căn nhà ở xã hội luôn là điều mơ ước. Câu chuyện ở đây là làm sao để người thu nhập thấp tiếp cận được với nhà ở xã hội vì vẫn còn tình trạng phải mua lại nhà của người đầu cơ và khi đó giá nhà được đẩy lên rất cao so với thực tế. Nếu Nhà nước không siết chặt việc này thì nhà ở xã hội sẽ là “miếng mồi” béo bở để các đối tượng trục lợi và khi đó, ý nghĩa cao đẹp, nhân văn của nhà ở xã hội sẽ mất đi.

Theo tôi được biết, hiện nay, thủ tục để được mua nhà ở xã hội cần phải chứng minh chưa có nhà ở và chứng minh khả năng tài chính qua bảng lương có phải là người có thu nhập thấp hay không, tuy nhiên trong thực tế tôi vẫn thấy những người có thu nhập cao mua được suất nhà thu nhập thấp. Kẽ hở pháp lý ở đây là gì? Có nhiều người ở thời điểm làm hồ sơ mua nhà thu nhập thấp họ không sở hữu ngôi nhà nào vì họ đã bán để đầu tư, và như thế thì họ vẫn đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.

Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương:
Không nên bán đứt nhà thu nhập thấp cho người dân

Vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp chưa khi nào hết “nóng” tại đô thị có mật độ dân số lớn như Hà Nội. Vì có “an cư” mới “lạc nghiệp” nên phát triển nhà ở không chỉ là đảm bảo an sinh xã hội mà còn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Song, vấn đề đặt ra là chất lượng nhà ở cho người thu nhập thấp như thế nào? Vấn đề quản lý nhà ở sau khi bàn giao ra sao? Nhà ở thu nhập thấp có đến được đúng tay người thu nhập thấp hay không? Đó mới là những vấn đề cần phải giải quyết. Theo tôi, cần làm rõ những đối tượng nào được mua nhà ở xã hội.

Hiện nay, giá nhà cho người thu nhập thấp ở khu nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp ở Thủ đô đang có nhiều bất cập nên có tình trạng người thu nhập thấp không đủ tiền mua, còn những đối tượng không có nhu cầu ở thì lại mua được. Điều này là mầm mống của bất công trong xã hội. Chính vì thế, theo tôi, dự án nhà ở xã hội cần được công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách rộng rãi bởi đa phần người có nhu cầu mua nhà đều là dân “tỉnh lẻ” mới lên thành phố lập nghiệp, không nắm bắt được nhiều thông tin. Nếu thông tin chỉ “bó hẹp” trong một nhóm người thì việc nảy sinh tiêu cực rất dễ xảy ra.

Từng đi khảo sát tại Trung Quốc, tôi được biết nhà chung cư dành cho người thu nhập thấp ở đó thuộc sở hữu của Nhà nước chứ không phải bán đứt cho người dân như ở Việt Nam. Ở Trung Quốc, họ xây nhà cho người mới đi làm, sinh viên thuê với giá rất rẻ, và khi có thu nhập cao thì người lao động buộc phải trả nhà để các đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận với chính sách ưu đãi này. Theo tôi nhà thu nhập thấp thì không nên bán đứt cho người dân mà bản chất phải là của Nhà nước quản lý, điều tiết, phân phối.

Anh Nguyễn Đức Kiên, nhân viên bán hàng Siêu thị điện máy HC:
Nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn xa tầm với

Hiện tại, dạo quanh thị trường nhà ở, tôi chỉ thấy phân khúc trung cấp, cao cấp, từ 20 - 70 triệu đồng/m2. Ví dụ, tổng thu nhập của hai vợ chồng tôi trung bình 25 triệu đồng/tháng. Chi phí sinh hoạt cho cả gia đình có một con nhỏ ở thành phố ít nhất cũng khoảng 15 triệu đồng. Một tháng chúng tôi chỉ có thể tiết kiệm được 10 triệu đồng, nghĩa là sẽ để dành được 120 triệu đồng/năm. Như vậy, nếu may mắn không có trục trặc trong cuộc sống, không bệnh tật, không có những chuyện phát sinh ngoài ý muốn như hiếu, hỉ; không du lịch... thì sau khoảng 4 năm, chúng tôi sẽ dành dụm được khoảng 500 triệu đồng (đã bao gồm lãi tiết kiệm). Số tiền này cũng chỉ gọi là tạm đủ để bắt đầu hành trình mua nhà ở xã hội trả góp. Tuy nhiên, không dễ để cặp vợ chồng công chức đơn thuần mà mỗi tháng đều để ra được 10 triệu đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc hai vợ chồng công nhân phải mất 6 - 10 năm tích lũy mới mua được nhà ở xã hội, chưa kể tới thời điểm đó thì giá nhà có lẽ đã tăng lên mức rất cao rồi.

Với mức thu nhập thấp hơn, như các công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, nếu tính cả hai vợ chồng là 15 triệu đồng/tháng, không có khoản tiết kiệm nào, muốn tìm nhà ở xã hội thì chỉ có thể chọn phân khúc dành cho người thu nhập thấp, giá dưới 15 triệu đồng/m2. Ở mức giá này, với 60 - 80m2, giá nhà vào khoảng 1 tỷ đồng. Với khoản vay ngân hàng 700 triệu đồng, lãi suất 10,5% trả trong 10 năm, mỗi tháng họ cần phải trả cả gốc lẫn lãi là 11,9 triệu đồng. Đó là khoản chi quá lớn so với thu nhập của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðể ước mơ không còn xa vời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.