Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường sắt đô thị cần sinh lợi để cải thiện dịch vụ và đổi mới công nghệ

Lan Hương| 13/12/2013 13:18

(HNMO) – Hà Nội và Bộ GTVT đang triển khai xây dựng 4 tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Đó là tuyến 1 Yên Viên – Ngọc Hồi; tuyến 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; tuyến 2A: Cát Linh – Hà Đông; tuyến 3 Nhổn – ga Hà Nội.


Thực tế, xây dựng đường sắt đô thị là lĩnh vực phức tạp, chi phí lớn, đòi hỏi phát huy mọi nguồn lực, trong đó có phần quan trọng từ hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế. Thực tế, hầu hết các dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội đều sử dụng các nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ song phương và đa phương, trong đó Nhật Bản luôn là nhà tài trợ đứng đầu về nguồn vốn ODA, đặc biệt cho lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị.

Hiện Chính phủ Nhật Bản đang tài trợ thực hiện xây dựng hai tuyến đường sắt đô thị quan trọng tại Hà Nội là tuyến số 1 và tuyến số 2. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn cung cấp nhiều hỗ trợ kỹ thuật khác nhằm hỗ trợ thực hiện thành công và phát triển bền vững hệ thống đường sắt đô thị ở Hà Nội như: phát triển đô thị gắn kết với hệ thống đường sắt; chuẩn bị kế hoạch vận hành và bảo dưỡng; mô hình công ty khai thác đường sắt đô thị, đào tạo cán bộ quản lý.

Nhằm tiếp tục trao đổi thông tin, kinh nghiệm cho Hà Nội, sáng 13/12, tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản và Công ty Tokyo Metro tổ chức hội thảo “Các vấn đề chính cho thành công của hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và kinh nghiệm của Tokyo Metro – Thành công và thất bại”.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết: Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, trong đó phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng khối lớn là một nội dung quan trọng.

“Thủ đô Tokyo – Nhật Bản là một trong những TP trên thế giới có hệ thống đường sắt đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại và khai thác vận hành hiệu quả, do vậy, TP Hà Nội hy vọng rằng những chia sẻ kinh nghiệm của Công ty Tokyo Metro tại hội thảo này là cơ hội để chúng tôi tiếp thu kinh nghiệm quý báu, góp phần thực hiện thành công hệ thống đường sắt đô thị tại TP Hà Nội” – Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi nói.

Một chuyến tàu điện của Tokyo Metro.  


Giáo sư Shigeru Morichi – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia; Cố vấn dự án đường sắt Hà Nội cho biết: mục tiêu xây dựng tàu điện ngầm ở Nhật Bản nhằm giảm ùn tắc đường bộ (thay thế mạng lưới tàu điện, chuyển đổi phương thức từ ô tô con); giảm ùn tắc đường sắt, kết nối trực tiếp với đường sắt ngoại ô. Việc phát triển tàu điện ngầm ở Nhật Bản thực hiện khi dân số đô thị trên 1 triệu người, thời gian xác định hoàn vốn từ 20-30 năm, Chính phủ và chính quyền địa phương hỗ trợ về chi phí xây dựng.

Theo đó, từ năm 1914, tại Tokyo bắt đầu xây dựng tàu điện ngầm và từ năm 1933 tại Osaka bắt đầu khai thác tàu điện ngầm; sau đó triển khai rộng ra nhiều TP khác của Nhật Bản. Theo giáo sư Shigeru Morichi, không có mạng lưới đường sắt đô thị sẽ không tránh được việc phát triển tràn lan lượng ô tô và xe máy; các dự án có cơ cấu phối hợp tốt sẽ thu được lợi nhuận (như tại dự án đường sắt cao tốc Tsukuba – Tokyo). Tuy nhiên, cũng có thể có cản trở từ những quy định của Chính phủ và địa phương; thỏa thuận với chủ đất và các bên liên quan trong quá trình GPMB và xây dựng; quá trình chia sẻ phí giữa các bên…

Mặt khác, giáo sư Shigeru Morichi cũng lưu ý: cần có mạng lưới đường sắt phân cấp theo chức năng cho các đô thị lớn giống như mạng lưới đường bộ; Cần đảm bảo khả năng sinh lợi cho đơn vị khai thác đường sắt để cải thiện dịch vụ và đổi mới công nghệ; Giá vé xe buýt và vận tải bán công cộng phải tương thích với đường sắt. Thời điểm đầu tư phát triển đường sắt đô thị rất quan trọng, tuy nhiên cần lập quy hoạch tổng thể ở giai đoạn sớm.

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế họat động, ông Toshiaki Kurihara – Chủ tịch Công ty dịch vụ đường sắt Tokyo Metro cho biết: Công ty vận hành 9 tuyến với tống chiều dài 195,1 km, gồm 179 ga. Một ngày công ty chuyên chở 6,44 triệu hành khách với hơn 102.000 km tàu chạy và tổng số 5.793 chuyến tàu. Tại Tokyo Metro phương châm vận hành là an toàn và cung cấp dịch vụ chất lượng cao. Trong vận hành tàu, con người sẽ sử dụng đầu máy toa xe, cơ sở vật chất trên tàu… nên không được mắc sai lầm trong cách sử dụng để không để xảy ra tai nạn. Theo đó, công ty liên tục đào tạo người vận hành về kiến thức, kỹ năng; hệ thống tuyến đường, tín hiệu, đầu máy toa xe… được kiểm tra từng điểm một cách phù hợp.

Tokyo Metro cũng đã vấp phải những sự cố chết người, đó là vào ngày 16/6/1992 do lái tàu không chú ý tín hiệu dừng lại mà cứ tiếp tục lái tàu tiến lên, dẫn đến tai nạn va chạm tàu, hay vào ngày 20/3/1995 đã xảy ra vụ khủng bố Sarin trong tàu điện ngầm làm 6.000 người bị thương và tử nạn. Hay như các vấn đề phòng chống ngập nước dưới đất, động đất… cũng là những bài học Tokyo Metro nêu ra để Hà Nội tham khảo, phòng tránh.

Từ hội thảo thiết thực này, các đại biểu từ phía Nhật Bản và Hà Nội đều bày tỏ mong muốn Hà Nội sớm hình thành được các tuyến tàu điện an toàn và thoải mái, phục vụ nhân dân Thủ đô đi lại tốt hơn, giảm ùn tắc giao thông cho TP.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đường sắt đô thị cần sinh lợi để cải thiện dịch vụ và đổi mới công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.