Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường nước sông Đà sẽ tiếp tục vỡ (?)

Khánh Khoa| 05/04/2014 06:23

(HNM) - Liên quan sự cố vỡ đường ống nước sông Đà - Hà Nội, ông Nguyễn Sỹ Trung - Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc nói: Đường ống này sẽ tiếp tục vỡ…

Đường ống nước sông Đà đã nhiều lần gặp sự cố, phải khắc phục.


- Tại sao ông lại đưa ra nhận định này?

- Năm 2006, khi tiếp cận tài liệu, hồ sơ thiết kế đường ống nước sông Đà - Hà Nội do một đơn vị thành viên của Tổng Công ty CP Vinaconex liên danh với một đơn vị chuyên ngành nước thiết kế, tôi giật mình vì rất sơ sài, chỉ có bình đồ, trắc dọc và vài mặt cắt ngang điển hình. Tóm lại, ở mọi địa hình cũng chỉ san lấp, rải cát lấy mặt phẳng rồi đặt ống nước lên. Mỗi đoạn ống dài khoảng 12m, đường kính 1,6m - 1,8m. Trong khi, riêng 29km đường Láng-Hòa Lạc lúc đó có 5,4km địa chất yếu phải xử lý đặc biệt, mà hồ sơ thiết kế đường nước không đề cập. Nếu không xử lý cẩn thận, chắc chắn sự cố sẽ xảy ra, vì tôi biết đường ống sử dụng không phải là ống chịu lực, là ống sợi thủy tinh lần đầu áp dụng ở Việt Nam.

Về việc sử dụng vật liệu composite trong hệ thống ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội, GS Bùi Chương (Trung tâm Nghiên cứu vật liệu Polyme, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết:

Composite là một vật liệu được sử dụng cho rất nhiều mục đích. Về mặt lý thuyết, composite hoàn toàn có thể được dùng để làm đường ống dẫn nước sinh hoạt. Ở Trung Quốc, tôi đã thấy người ta sử dụng loại vật liệu này cho các mục đích liên quan thực phẩm, sản xuất và bán rộng rãi các mặt hàng với ký hiệu có thể dùng để chứa thực phẩm. Với mỗi mục đích, nhà sản xuất sẽ có các vật liệu đặc thù để tạo nên loại composite thích hợp. Ống cống nước thải, nếu làm bằng composite thì cũng phải được nhà sản xuất dùng các vật liệu thích hợp để bảo đảm nó phù hợp với nước thải. Tôi không nghĩ người ta sản xuất một loại ống để sử dụng cho cả hai mục đích là dẫn nước sinh hoạt và dẫn nước thải. Ngoài ra, vật liệu composite đã được ứng dụng trong công nghệ chế tạo máy bay, tàu thuyền... nên không thể nói là nó chịu lực kém. Tôi nói ví dụ, chúng ta xây nhà bằng gạch và bê tông, khi nhà sập thì chúng ta có đổ lỗi cho các vật liệu đó hay không? Theo tôi, quan trọng là vấn đề kết cấu như thế nào.

Quỳnh Phạmghi

- Khi ông có ý kiến, phía Vinaconex có lắng nghe không, thưa ông?

- Phải nói thế này, dự án đường nước và dự án mở rộng đường Láng-Hòa Lạc là hai dự án khác nhau. Họ mời chúng tôi sang là để bàn phối hợp cùng thực hiện thi công. Nôm na thì chúng tôi là hàng xóm nên ý kiến của tôi cũng chỉ để tham khảo thôi. Tham khảo ý kiến của tôi, lãnh đạo Vinaconex (đại diện là Ban quản lý dự án cấp nước sông Đà) có ghi nhận và yêu cầu các bên liên quan phải xem xét. Phía Vinaconex mời Viện Khoa học - Công nghệ xây dựng, là cơ quan hàng đầu về khoa học của ngành, chủ trì thiết kế xử lý tuyến ống đoạn qua 5,4km địa chất yếu. Sau khi nghiên cứu các mô hình tính toán, tư vấn đưa ra giải pháp: Nền đường không phải xử lý đặc biệt; tuyến ống đặt trực tiếp, chỉ cắt ngắn khẩu độ ống từ 12m xuống còn 6m để tăng độ lún và biến dạng của tuyến ống. Phương án trên được nhà thầu tổ chức thi công.

- Nhưng đường ống đến nay đã vỡ đến lần thứ năm…

- Có xử lý mà vỡ vẫn vỡ, kể cả đoạn ống 6m, cho thấy phương án tư vấn đưa ra không triệt để, hiệu quả. Sai lầm nghiêm trọng ở chỗ vấn đề cốt lõi là nền đất yếu không được tư vấn giải quyết.

- Còn loại vật liệu làm đường ống thì sao, thưa ông?

- Đường ống dẫn nước sạch làm bằng chất liệu composite không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Vấn đề chịu lực của ống composite phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ dày, kích thước, nền đất ở vị trí lắp đặt đường ống... Những khu vực nền đất yếu, với bất kể loại đường ống nào cũng đều bắt buộc khi thiết kế phải xử lý chắc phần gối đỡ cho đường ống.

- 29km Đại lộ Thăng Long có 29 vị trí nền đất yếu, như vậy có thể dựa trên các vị trí này để kiểm tra, có giải pháp hạn chế sự cố?

- Bây giờ khắc phục cực kỳ khó vì đã chôn sâu dưới đất trung bình 6m, đồng thời vẫn phải duy trì các hoạt động khác, nên buộc phải “sống chung”. Mặt khác, chi phí xử lý bây giờ cực kỳ tốn kém, tốt hơn nên làm tuyến đường ống mới. Theo tôi, sửa vô cùng khó, mà sự cố thì luôn tiềm ẩn.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Chưa xác định được nguyên nhân

(HNM) - Chiều 4-4, ông Phạm Chí Sơn, Giám đốc Ban Đối ngoại - Pháp chế, người phát ngôn Tổng Công ty CP Vinaconex cho biết, hiện chưa xác định được chính xác nguyên nhân xảy ra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. Tuy nhiên, qua đánh giá về hiện tượng, các sự cố đều xuất hiện vào thời điểm điều kiện vận hành ở trạng thái ổn định, thường xuyên. Không thấy có khác biệt về điều kiện lắp đặt thực tế so với hồ sơ hoàn công (liên quan đến độ sâu chôn ống, tải trọng thường xuyên và tải trọng tạm thời). Việc thiết kế dự án được thực hiện đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn pháp luật hiện hành; căn cứ tài liệu khảo sát địa chất những vùng nền đất yếu đều đã có phương án xử lý. Về chất lượng vật liệu sản xuất ống, theo thông tin từ đơn vị sản xuất, toàn bộ ống đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội Công trình thủy Hoa Kỳ, các quy định của Bộ Y tế với vật tư dùng cho ống dẫn nước sạch; độ bền kéo, độ bền nén, độ kín thủy tính đều được kiểm tra chặt chẽ.

Liên quan các giải pháp, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Vinaconex cho biết, tổng công ty đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý, khắc phục nhanh sự cố, theo dõi 24/24 giờ dọc tuyến. Về lâu dài, tổng công ty đang hoàn tất các thủ tục đầu tư giai đoạn 2, đặc biệt là tuyến ống truyền tải thứ hai. Trả lời câu hỏi, liệu người dân có được đền bù thiệt hại do sự cố vỡ đường ống nước gây ra không? Ông Tốn nói, sự cố tuyến ống là bất khả kháng, khi xảy ra, Tổng Công ty và Công ty CP Nước sạch Vinaconex cố gắng khắc phục trong thời gian sớm nhất, giảm thiểu thời gian ngừng cấp nước.

Gia Khánh 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường nước sông Đà sẽ tiếp tục vỡ (?)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.