Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dương Ngọc Đức với sân khấu Hà Nội

PGS Tất Thắng| 13/06/2010 04:07

(HNM) - Đạo diễn, NSND Dương Ngọc Đức đã trút hơi thở cuối cùng vào một ngày đầu tháng 6. Trong sự nghiệp sân khấu của mình, ông đã dàn dựng nhiều vở diễn mang tính bước ngoặt hoặc có giá trị nghệ thuật cao cho sân khấu Việt Nam và đặc biệt, ông dành tình yêu lớn cho sân khấu Hà Nội...

Cảnh vở Ngọc Hân Công chúa của Nhà hát Chèo Hà Nội.

Dù bận rộn công việc của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và dàn dựng vở diễn cho các đoàn sân khấu trên cả nước nhưng với sân khấu Thủ đô, bao giờ ông cũng dành những tình cảm đặc biệt. Không chỉ Hà Nội, cái nôi của sân khấu mà vì Hà Nội là nơi ông gắn bó tuổi thơ của mình. Với Đoàn Chèo Hà Nội (nay là Nhà hát Chèo), NSND Dương Ngọc Đức dựng 4 vở, đó là Mối tình Đuôn Naly, Ngọc Hân Công chúa, Người đẹp xứ Tây Lăng và Duyên nợ trầu cau, cả 4 vở đã tác động đến đường đi nước bước, đến phương hướng nghệ thuật của chèo Hà Nội. Đoàn Chèo Hà Nội từng bị dư luận trong giới cho là “phá chèo” là “kịch hát hóa chèo” nhưng với NSND Dương Ngọc Đức, người có phông văn hóa lại đậm chất hào hoa phong nhã của người Hà Nội thì chèo Hà Nội vẫn đổi mới theo xu hướng hiện thực hóa song vẫn giữ được cái chất chèo vốn có của nó. Ông cũng cho rằng chèo Hà Nội đâu phải bây giờ mới đổi mới mà ngay từ thời thuộc Pháp Nguyễn Đình Nghị đã cách tân nghệ thuật này với thể loại chèo - cải lương.

Khi dàn dựng vở Ngọc Hân Công chúa và một vài vở khác, đạo diễn tài hoa này làm cho Đoàn Chèo Hà Nội chẳng những mang diện mạo mới: sáng sủa, trang trọng mà cao hơn, đạt độ thanh lịch, xứng đáng là chèo của đất nghìn năm văn hiến. Có thể nói, với vở diễn Ngọc Hân Công chúa, NSND Dương Ngọc Đức đã văn hóa hóa toàn bộ nội dung của vở chèo lịch sử này khi ông diễn tả cái cao đẹp, cái hào hoa của văn hóa Thăng Long, con người Thăng Long với những nơi chốn như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với những con người như Công chúa Ngọc Hân - người con gái Long thành tài sắc vẹn toàn khiến người anh hùng áo vải phải siêu lòng để từ một cuộc gả bán đi đến một tình yêu đích thực.

Với Đoàn kịch nói Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch nói Hà Nội), NSND Dương Ngọc Đức chỉ dựng vỏn vẹn 5 vở gồm: Tiền tuyến gọi, Những người Nga, Đêm cuối cùng ở Tây Ban Nha, Hẹn ngày trở lại và Hoa và Ngần nhưng cả 5 vở đều đã đóng đinh vào kịch Hà Nội nói riêng và sân khấu Hà Nội nói chung. Trong 5 vở diễn ấy thì Tiền tuyến gọi đã đưa tư thế và tầm vóc của Đoàn kịch Hà Nội lên vị trí tiên phong trong sự nghiệp sân khấu bước vào cuộc trường chinh chống Mỹ vĩ đại của dân tộc. Tiền tuyến gọi diễn tả được cái không khí sôi sục đầy lãng mạn của tuổi trẻ Thủ đô, đặc biệt là trong sinh viên, trí thức Hà Nội náo nức lên đường ra tiền tuyến đánh Mỹ. Còn Hẹn ngày trở lại lại tạo nên cho kịch nói Hà Nội một diện mạo và thể chất mới: Diện mạo hoành tráng, thể chất sử thi. Không chỉ dàn dựng cho chèo hay kịch nói mà Dương Ngọc Đức còn quan tâm đến sân khấu quần chúng. Dù nhiều việc nhưng nếu được mời, ông không bao giờ từ chối làm giám khảo cho các liên hoan hay hội diễn sân khấu quần chúng của người lao động Thủ đô. Cách cho điểm của ông luôn khuyến khích các đội tham gia và khích lệ những người có năng khiếu.

Cho dù từ khi vào nghề đến lúc ra đi, ông chỉ dựng từng ấy vở cho sân khấu Hà Nội nhưng vở nào đích đáng vở ấy. Không chỉ có giá trị về nội dung và nghệ thuật, những vở ông đạo diễn cho chèo hay kịch nói Thủ đô thường vượt ra khỏi phạm vi một tác phẩm để trở thành hoặc là một sự kiện trong đời sống sân khấu, hoặc là một dấu mốc đánh dấu sự thay đổi của đoàn và hoặc là đóng góp đáng kể vào sự phát triển của kịch chủng. Cho đến nay và cả mai sau, chắc chắn không ai có thể phủ nhận được những đóng góp không nhỏ của NSND Dương Ngọc Đức cho sân khấu Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dương Ngọc Đức với sân khấu Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.