Nằm cách Hà Nội khoảng 50 km về phía Tây, Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây) vừa trở thành di tích quốc gia - làng cổ duy nhất trong cả nước.
Cổng lớn dẫn vào làng Đường Lâm
Làng Việt cổ đá ong
Vẻ quyến rũ dễ nhận thấy nhất của Đường Lâm nằm ở những vỉa đá ong cổ. Bởi vậy, trên khắp nước ta thiếu gì làng cổ, nhưng riêng Đường Lâm được trân trọng gọi bằng cái tên Làng Việt cổ đá ong. Những vòm cổng, những bức tường đá ong già nua, vàng khé lên trong các buổi chiều đã đi vào tranh của bao nhiêu thế hệ sinh viên trường Mỹ thuật. Ngày xưa Quang Dũng viết: "Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ..."
Nhưng đá ong chỉ là một nhẽ. Vì ở Quốc Oai, Thạch Thất cũng có rất nhiều đá ong. Ở đồng bằng sông Hồng, các nhà khoa học đã chứng minh rằng có hai vỉa đá ong lớn nằm ở Hà Tây và Bắc Ninh, mà Đường Lâm chỉ là một góc rất bé của một vỉa. Đường Lâm còn đẹp ở khuôn cổng cổ kính mấy trăm năm, với ba bề bốn bên làng đều có cổng: cổng Sui ở đầu xóm Sui, cổng Hậu ở đầu xóm Hậu, cổng Hè ở cuối xóm Hè. Và cổng lớn nhất nằm ở đầu làng bên một cây đa cổ thụ và một bến nước - bến nước thực thụ, đậm đặc chất Bắc Bộ! Cái riêng nhất là kiến trúc làng: những ngả đường hình xương cá gồm một trục đường chính với rất nhiều ngõ nhỏ thông với nhau, người làng đi đằng nào cũng về đến nhà/ trộm chạy đằng nào rồi cũng bị bắt (vì khi có động, tráng đinh cả làng ùa ra, ngay lập tức gặp nhau ở một chỗ. Có nhà nghiên cứu bảo: đường xương cá trong làng là cái đường chống trộm cướp, giặc dã rất tuyệt vời của một “cộng đồng dân cư nông nghiệp đóng kín”!). Trong cơn lốc hiện đại
Đường Lâm đang đổi mới từng ngày. Điều đó một mặt là niềm vui của người dân, vì nó đồng nghĩa với kinh tế đi lên. Nhưng nhiều nhà bảo tồn văn hoá thì không khỏi lo lắng.
Kiến trúc xóm thôn truyền thống dần biến mất, thay vào đó là nhà cao tầng lố lăng. Người ta làm bãi đỗ xe ôtô, bê tông hóa gần như 100% đường ngang ngõ tắt trong làng. Khắp làng cơ bản không còn một gốc tre, bụi duối; ngõ ngách nào cũng được mắc đèn cao áp loại xịn hơn ở Hà Nội. Đá ong cổ bị bóc đi để tống đá ong mới đào vào. Giếng làng bị chít xi măng. Đình làng tứ bề dàn dáo cho cái gọi là "đại trùng tu".
Những căn nhà gỗ năm gian, bảy gian, có bức bàn trước cửa, tường ốp gỗ, lợp ngói mũi âm dương đang mất dần. Ngày xưa, vì nghèo nên người Đường Lâm phải làm nhà bằng đá ong tạo nên văn hoá Việt cổ đá ong; thì bây giờ, vì giàu người ta làm nhà bê tông, mái bằng, lợp tôn. Ngày xưa nhà nào mà làm nhà cao hơn đình thể nào cũng bị làng phạt vạ, có khi bị Thánh vật. Thế nhưng, bây giờ, nhà cao tầng là niềm tự hào ăn nên làm ra.
Theo VNN
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.