Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường dây nóng: Vướng giải phóng mặt bằng, cầu Chiếc ''giậm chân tại chỗ''

Khánh - Hoàng| 06/04/2023 11:02

(HNMO) - Dự án đầu tư xây dựng cầu Chiếc, Km8 255 đường tỉnh 427 đã cơ bản hoàn thành nhưng hiện chưa thể đưa vào sử dụng do đường dẫn lên một đầu cầu (phía xã Hiền Giang, huyện Thường Tín) vẫn vướng giải phóng mặt bằng. Người dân trong khu vực liên tục kiến nghị UBND thành phố Hà Nội, chủ đầu tư sớm hoàn thiện dự án, nhưng đến nay vẫn… “giậm chân tại chỗ”.

Do vướng mặt bằng, chưa thể làm đường dẫn lên cầu (phía xã Hiền Giang, huyện Thường Tín) nên cầu Chiếc chưa thể thông xe.

Trước thực trạng cầu Chiếc (cũ) xuống cấp, nhỏ hẹp, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, ngày 18-11-2016, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6341/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Chiếc, huyện Thường Tín. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội là đại diện chủ đầu tư.

Dự án có chiều dài 1,1km (gồm cầu Chiếc và đường dẫn hai đầu cầu), với tổng mức đầu tư 115.544 triệu đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố, thời gian thực hiện năm 2017-2018. Dự án được triển khai sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn 2 huyện Thường Tín và Thanh Oai. Quyết định phê duyệt là vậy, tuy nhiên, đã quá thời hạn trên từ lâu, song đến nay dự án vẫn... dở dang.

Thực tế quan sát của phóng viên Báo Hànộimới tại khu vực dự án cho thấy, các hạng mục gồm: Đường dẫn lên cầu (phía xã Hòa Bình, huyện Thường Tín), thân cầu và các hạng mục khác đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, đoạn đường dẫn lên cầu phía xã Hiền Giang đang bị ách lại; đoạn đường dẫn chưa thi công hiện được đổ tạm bằng cát, một số người dân đang sử dụng để đỗ phương tiện.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thường Tín Lê Tuấn Tú cho biết: Nguyên nhân chính khiến cầu Chiếc chưa thông là do vẫn chưa giải phóng xong diện tích đất ở của 6 hộ dân thuộc thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang. Tổng diện tích thu hồi của dự án là 27.708m2, trong đó, đã giải phóng xong mặt bằng hơn 27.300m2 đất công, đất nông nghiệp, đất do các doanh nghiệp quản lý; chỉ còn hơn 300m2 đất ở của 6 hộ thuộc diện được bố trí tái định cư chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

“Đến cuối năm 2022, sau khi có kết quả thẩm định giá đất của thành phố, UBND huyện Thường Tín đã phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do chưa đủ kinh phí chi trả, đến nay mới có 3/6 hộ nhận đủ tiền đền bù, 3/6 hộ chưa nhận hoặc mới nhận một phần nên công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành”, ông Lê Tuấn Tú thông tin thêm.

Cầu Chiếc và nhiều hạng mục của dự án đã cơ bản hoàn thành nhưng nhiều năm vẫn chưa được đưa vào sử dụng, khiến nhân dân bức xúc.

Là một trong 6 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho dự án thực hiện đường dẫn lên cầu phía xã Hiền Giang, ông Nguyễn Đức Hòa, thôn Nhân Hiền cho biết, ủng hộ dự án làm cầu, các hộ dân đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc kiểm đếm, bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo đó, quyết định phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư đã được ban hành, nhưng chờ mãi đến nay vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. “Gia đình tôi có 4 nhân khẩu, hiện vẫn ở tại vị trí giải phóng mặt bằng. Nếu chủ đầu tư chi trả tiền bồi thường, gia đình tôi và các gia đình còn lại sẽ bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công hoàn thành nốt dự án”, ông Hòa khẳng định.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Đức cho biết: Hiện số tiền đền bù cho các hộ chỉ còn hơn 3 tỷ đồng. Ban báo cáo và thành phố đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành bố trí nốt số tiền để chi trả cho các hộ dân. Hiện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn chi trả cho các hộ dân. Sau khi các hộ nhận tiền, bàn giao mặt bằng, Ban sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành công trình trong năm 2023.

Như vậy, câu trả lời đã khá rõ ràng. Đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan sớm hoàn thành phần việc của mình để sớm đưa cầu Chiếc vào sử dụng, tránh gây lãng phí; đồng thời, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của 2 huyện Thanh Oai, Thường Tín phát triển thuận lợi hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đường dây nóng: Vướng giải phóng mặt bằng, cầu Chiếc ''giậm chân tại chỗ''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.