Đây là khẳng định của chủ đầu tư dự án - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng cầu Chiếc, Km8+255 đường tỉnh 427 (huyện Thường Tín, Hà Nội).
Hiện nay, chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với UBND huyện Thường Tín, UBND xã Hiền Giang để hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng; chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật và đúng với kế hoạch vốn được UBND thành phố Hà Nội giao.
Trước đó, vào ngày 6-4-2023, Báo Hànộimới đăng bài: Vướng giải phóng mặt bằng, cầu Chiếc ''giậm chân tại chỗ'', phản ánh: Dự án đầu tư xây dựng cầu Chiếc, Km8+255 đường tỉnh 427 (huyện Thường Tín) đã cơ bản hoàn thành nhưng hiện chưa thể đưa vào sử dụng do đường dẫn lên một đầu cầu (phía xã Hiền Giang, huyện Thường Tín) vẫn vướng giải phóng mặt bằng. Người dân trong khu vực liên tục kiến nghị UBND thành phố Hà Nội, chủ đầu tư sớm hoàn thiện dự án, nhưng đến nay vẫn… “giậm chân tại chỗ”. Dự án có chiều dài 1,1km (gồm cầu Chiếc và đường dẫn hai đầu cầu), với tổng mức đầu tư 115.544 triệu đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố, thời gian thực hiện năm 2017-2018.
Nguyên nhân chính khiến cầu Chiếc chưa “thông” là do huyện Thường Tín vẫn chưa giải phóng xong diện tích đất ở của 6 hộ dân thuộc thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang. Tổng diện tích thu hồi của dự án là 27.708m2, trong đó, chỉ còn hơn 300m2 đất ở của 6 hộ thuộc diện được bố trí tái định cư chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Đến cuối năm 2022, sau khi có kết quả thẩm định giá đất của thành phố, UBND huyện Thường Tín đã phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do chưa đủ kinh phí chi trả, nên mới có 3/6 hộ nhận đủ tiền đền bù, 3/6 hộ chưa nhận hoặc mới nhận một phần khiến công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành để triển khai dự án.
Theo thông tin mới nhất do Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thường Tín Lê Tuấn Tú cung cấp, tính đến cuối tháng 9-2023, công tác giải phóng mặt bằng đối với hơn 300m2 đất ở của 6 hộ thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang đã hoàn tất. Hiện, huyện đã bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại. Tuy nhiên, qua rà soát lại diện tích đã giải phóng mặt bằng, Trung tâm phát hiện tồn tại liên quan đến giải phóng mặt bằng 240,6m2 đất nông nghiệp của 9 hộ dân xã Hiền Giang (diện tích này nằm ở vị trí vuốt nối đầu tuyến cầu Chiếc, nằm sát đường tỉnh 427).
“Quá trình giải phóng mặt bằng trước đây, UBND xã Hiền Giang quy chủ 240,6m2 đất nông nghiệp là đất công nên đã bàn giao cho chủ đầu tư triển khai dự án. Nhưng khi triển khai san lấp mặt bằng để thi công dự án, một số hộ dân đã ra cản trở. Xác minh lại, đây là diện tích đất nông nghiệp của 9 hộ dân thôn Nhân Hiền. Để sớm có mặt bằng giao cho chủ đầu tư thi công, huyện Thường Tín đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện phối hợp với xã Hiền Giang, cơ quan chức năng sớm hoàn thiện công tác cắm mốc giới, đo đạc, hoàn thiện hồ sơ giải phóng mặt bằng; tuyên truyền, vận động các hộ dân đồng thuận giải phóng mặt bằng để Dự án đầu tư xây dựng cầu Chiếc sớm hoàn thiện, đưa vào sử dụng”, ông Lê Tuấn Tú nhấn mạnh.
Thực tế của phóng viên vào sáng 16-11, tại khu vực triển khai Dự án đầu tư xây dựng cầu Chiếc, đơn vị thi công dự án đang gấp rút triển khai thi công các hạng mục thuộc đường dẫn lên cầu Chiếc (phía xã Hiền Giang).
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Đức cho biết, sau khi có mặt bằng, chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị thi công huy động nhân lực, máy móc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành dự án. Đến nay, những hạng mục cuối cùng của đường dẫn lên cầu Chiếc đang được hoàn thiện. Đối với vị trí vuốt nối đầu tuyến cầu Chiếc (nằm sát đường tỉnh 427) có diện tích 240,6m2 là đất nông nghiệp của 9 hộ dân xã Hiền Giang, sau khi được bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư sẽ gấp rút thi công, phấn đấu hoàn thiện, đưa vào sử dụng cầu Chiếc trong năm 2023, đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa của nhân dân hai huyện Thanh Oai và Thường Tín.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.