(HNMO) - Nói lời sau cùng chiều 24-4, bị cáo Dương Chí Dũng tiếp tục không nhận tội “tham ô”, mong được giảm án để được sống, chờ ngày nào đó được minh oan.
Dưới đây là diễn biến phiên xét xử ngày 24-4:
Đúng 8h, tòa phúc thẩm TAND Tối cao tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm vụ án “tham ô”, “cố ý làm trái” xảy ra tại Vinalines với phần tranh luận.
|
Lỗi tại cơ chế?
Luật sư Nguyễn Đình Hưng bào chữa cho bị cáo Trần Hải Sơn cho rằng, sau khi xem xét tài liệu, hồ sơ, phần xét hỏi tại tòa và phần kết luận của đại diện VKS, việc bình luận hồ sơ có những quan điểm riêng, riêng luật sự chưa thấy mặt khách quan để đánh giá, chứng minh hành vi “tham ô”, chưa làm rõ yếu tố cấu thành tội “tham ô”. Số tiền 1,66 triệu USD nằm trong số tiền 9 triệu USD mua ụ nổi, là tài sản nằm trong hậu quả của hành vi “cố ý làm trái”, không thể là hậu quả của tội danh khác (“tham ô”).
Với bị cáo Trần Hải Sơn, luật sư cho rằng, việc chia 1,66 triệu USD, nếu có thì là việc trục lợi từ hành vi “cố ý làm trái”. Về hành vi này của bị cáo Trần Hải Sơn, luật sư đề nghị xem xét mức độ vi phạm, thể hiện qua việc chỉ “ký nháy” vào các hồ sơ, báo cáo liên quan đến việc mua ụ nổi… Luật sư cũng đề nghị xem xét lại mức độ thiệt hại trong vụ án, vì có sự trùng lặp về số tiền như trên, chưa tính đến giá trị còn lại của ụ nổi 83M. Để bào chữa cho Trần Hải Sơn, luật sư cho rằng cần tính đến tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo vì phạm tội trong hoàn cảnh thiếu những văn bản pháp lý chặt chẽ, cơ chế, hệ thống trình duyệt lỏng lẻo, sơ hở. Ngoài ra, vào thời điểm đó, đòi hỏi về việc xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển rất cao, thúc đẩy động cơ khiến các bị cáo xúc tiến các dự án liên quan.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Hữu Chiều đồng tình về các quan điểm về việc xác định hành vi và mức độ hành vi phạm tội, ý thức chủ quan trong quá trình phạm tội. Về bị cáo Trần Hữu Chiều, luật sư cho rằng việc tiếp nhận công việc từ người tiền nhiệm tại Vinalines mà không nắm hết việc. Trần Hữu Chiều không thể không thực hiện quyết định của HĐQT Vinalines. Vai trò của bị cáo trong vụ án mang tính thụ động, thực hiện theo điều hành của lãnh đạo. Hoàn toàn có thể miễn, giảm đối với tội “cố ý làm trái” của Trần Hữu Chiều.
Luật sư cũng cho rằng, về tội danh “tham ô”, vai trò của Chiều rất mờ nhạt, thụ động. Qua hồ sơ, xét hỏi, việc áp dụng tội “tham ô” với nhóm bị cáo trong vụ án này là không bảo đảm các yếu tố pháp lý. Bị cáo Chiều chỉ nhận biết được việc nhận tiền là từ khoản “lại quả” trong quá trình điều tra vụ án. Lời khai của Trần Hải Sơn cũng không đủ chứng cứ pháp lý để kết tội Trần Hữu Chiều. Luật sư cũng đề nghị hủy tội danh “tham ô” tại bản án sơ thẩm để điều tra lại... Về bị cáo Chiều, luật sư cho rằng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng phiên tòa sơ thẩm chưa đề cập đến. Luật sư cho rằng có căn cứ để giảm mức án đối với tội “cố ý làm trái”, đề nghị cân nhắc mức độ bồi thường dân sự, đề nghị hủy án sơ thẩm về tội “tham ô”.
8h45': Luật sư của bị cáo Mai Văn Khang bắt đầu phần tranh luận, cho rằng bị cáo không nhận chỉ đạo về việc mua ụ nổi, chỉ tham gia vào đoàn khảo sát ụ nổi với vai trò thanh viên, nhiệm vụ chủ yếu là phiên dịch, không tác động vào nội dung báo cáo khảo sát. Trước khi lãnh đạo Vinalines ký hợp đồng mua ụ nổi, Khang đã được điều chuyển sang vị trí khác. Việc bị cáo ký nháy vào báo cáo khảo sát không hề với mục đích “làm mọi cách” để mua ụ nổi và thực tế báo cáo này không có giá trị quyết định việc mua ụ nổi. Những nội dung quy kết bị cáo tại bản án sơ thẩm là không đúng, không có căn cứ… Luật sư đề nghị tòa xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Khang thuộc diện gia đình có công, đồng thời cho rằng việc áp dụng tình tiết tăng nặng về hành vi “gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Khang là không đúng vì đây đã là tình tiết xác định tội danh, cần phải loại bỏ.
9h30': Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Văn Dương trình bày quan điểm đồng tình với quan điểm của VKS chấp nhận kháng cáo và đề nghị giảm hình phạt, mức bồi thường của bị cáo. Luật sư cho rằng Lê Văn Dương chỉ liên quan đến tội “cố ý làm trái” qua việc tham gia giám định trong quá trình lập báo cáo khảo sát. Luật sư cho rằng, thực tế là Vinalines đã quyết định mua ụ nổi 83M từ trước khi lập đoàn khảo sát, không cần chờ đến báo cáo khảo sát, không cần báo cáo của đăng kiểm viên Lê Văn Dương. Báo cáo này chỉ là hình thức. Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều không đọc biên bản giám định của Lê Văn Dương. Luật sự cho rằng, bản thân Lê Văn Dương không có mục đích trục lợi và chỉ là nạn nhân của một “âm mưu” chuẩn bị từ trước.
Luật sư cho rằng, Lê Văn Dương chỉ làm nhiệm vụ theo yêu cầu của cấp trên (Cục Đăng kiểm). Với vai trò là giám định viên, việc Dương trao đổi với Trần Hải Sơn về kết quả giám định là bình thường. Để đánh giá báo cáo đó đúng hay không, lại phải xác định ụ nổi có phải là tàu biển hay không. Kết quả giám định được Lê Văn Dương đưa ra là do nhận thức khách quan, không phải do cố ý làm sai. Báo cáo của Dương cũng chỉ nêu những vấn đề được yêu cầu giám định. Dù cũng cho rằng Lê Văn Dương có sai sót, song luật sư nói Dương “thiếu trách nhiệm” chứ không “cố ý là trái”. Việc xác định mức độ bồi thường của Lê Văn Dương, nếu có, chỉ là liên quan đến khoản tiền chênh lệch đội giá khi mua ụ nổi 83M, do đó luật sư đề nghị giảm mức bồi thường.
10h00': Luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo nguyên là cán bộ Hải quan (Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng) cho rằng, chưa đủ căn cứ để xác định hành vi phạm tội của các bị cáo. Song, do các bị cáo chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ tội, luật sư chỉ đưa ra những luận cứ tương ứng. Luật sư cho rằng quan điểm luận tội của VKS là không chính xác khi quy kết các bị cáo “cố ý làm trái”. Luật sư viện dẫn các văn bản pháp lý quốc tế và Việt Nam về quy trình thủ tục Hải quan để cho rằng các bị cáo không vi phạm. Bị cáo Huỳnh Hữu Đức đã thực hiện đúng chức trách khi yêu cầu kiểm tra toàn bộ hàng hóa (ụ nổi). Luật sư cũng cho rằng, giấy tờ liên quan đến nghiệp vụ Hải quan đối với mặt hàng ụ nổi đã đầy đủ.
Về việc phân loại hàng hóa, các cán bộ Hải quan cũng đã làm đúng. Luật sư cho rằng ụ nổi không phải là tàu biển, chỉ là xưởng sửa chữa tàu, theo nhiều ý kiến chuyên gia, tài liệu chuyên ngành. Vì vậy, việc đánh giá hàng hóa khi thông quan phải đánh giá 83M là ụ nổi, theo tiêu chuẩn dành cho ụ nổi, chứ không phải như với mặt hàng tàu biển. Ụ nổi không nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu.
Luật sư cho rằng bị cáo Lê Ngọc Triện đã tính đúng, tính đủ mức thuế đối với việc nhập hàng hóa, thu về số tiền hơn 22 tỷ đồng. Vì vậy, truy cứu bị cáo Lê Ngọc Triện là không đúng. Bị cáo Lê Văn Lừng đã thực hiện kiểm tra hàng hóa, xác định rõ chủng loại, tên hàng, xuất xứ… đúng theo khai báo Hải quan. Vì vậy, luật sư yêu cầu giảm nhẹ hình phạt hình sự.
Về việc bồi thường trách nhiệm dân sự, luật sư cho rằng các bị cáo không liên quan đến tội “tham ô”, phải đối trừ số tiền liên quan đến hành vi “tham ô”. Việc xác định thiệt hại khác có do việc thông quan hay không cũng cần được làm rõ. Khi ngân hàng giải ngân tiền mua ụ nổi không cần giấy tờ thông quan nên không liên quan đến Hải quan. Các bị cáo không có động cơ, mục đích cá nhân trong việc thông quan ụ nổi. Nguyên đơn dân sự (Vinalines) chưa có đơn đòi bồi thường. Bản án sơ thẩm chưa cá thể hóa được trách nhiệm bồi thường dân sự. Khoản bồi thường đối với các bị cáo hải quan tại bản án sơ thẩm nhiều mục không liên quan… Vì vậy, luật sư cho rằng phần bồi thường của các bị cáo nguyên cán bộ Hải quan là không phù hợp.
Để trình bày thêm tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, luật sư đã nêu rõ hoàn cảnh xuất thân, quá trình phấn đấu, cống hiến của các bị cáo, thể hiện nhân thân tốt của các bị cáo. Ngoài ra, các bị cáo nguyên là cán bộ Hải quan có hoàn cảnh gia đình khó khăn, các bị cáo Triện, Lừng có bệnh.
Tiếp tục bào chữa cho nhóm bị cáo này, luật sư Nguyễn Văn Chiến cho rằng, không phải bị cáo cứ xin nhận tội là có tội, chưa nói đến nhận thức về tội danh. Liên quan đến tội danh của 3 bị cáo trên, luật sư cho rằng bản án sơ thẩm nhận định, cáo buộc sai lầm. Luật sư tiếp tục cho rằng Hải quan phân loại 83M là ụ nổi chứ không phải tàu biển là hoàn toàn đúng theo luật pháp quốc tế, theo công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; việc thông quan đúng trình tự Hải quan, phù hợp với các quy định của pháp luật trong lĩnh vực Hải quan… Vì vậy, các bị cáo đã làm đúng. Ngoài ra, hồ sơ và lời khai các bị cáo cũng cho thấy, các bị cáo này không biết, không gặp các bị cáo ở Vinalines, vì vậy không thể là “đồng phạm tích cực” của các bị cáo ở Vinalines như bản án sơ thẩm đã tuyên.
Dương Chí Dũng - Mai Văn Phúc “không đội trời chung”
14h00': Tòa mời bị cáo Dương Chí Dũng lên hỏi ý kiến. Dương Chí Dũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến của các luật sư bào chữa, song nói thêm rằng bị cáo không chỉ đạo về việc “mua bằng được” ụ nổi như lời khai của Trần Hải Sơn.
Khi được hỏi, Mai Văn Phúc trình bày về tội danh “tham ô”, cho rằng lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn hoàn toàn không đúng, man trá. Lời khai của Sơn về việc Dũng chỉ đạo chia tiền cho Phúc, bị cáo Dũng cũng đã phủ nhận. Mai Văn Phúc cho rằng, việc thương thảo mua ụ nổi từ cuối năm 2006, lúc đó bị cáo chưa nhận chức tại Vinalines. Bị cáo chỉ gặp Goh Hoon Seow 1 lần, sau khi đã có chủ trương mua ụ nổi thông qua Công ty AP. Nghĩa là, hành vi tham ô, làm trái đã có từ trước khi bị cáo nhận chức Tổng Giám đốc Vinalines. Bị cáo không có động cơ gì để làm trái ngoài việc cố gắng làm tốt cho Vinalines, lại “không đội trời chung” với bị cáo Dũng nên không thể tham gia làm trái.
Bị cáo Trần Hữu Chiều mong muốn HĐXX liên hệ với thời điểm triển khai dự án vì Vinalines đã có báo Chính phủ và được phê duyệt triển khai chỉ định thầu xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển. Thời điểm đó, hành vi của bị cáo không “làm trái”. Việc ký các văn bản để làm thủ tục giải ngân, bị cáo cho rằng việc ký nháy vào văn bản là do quy định của Vinalines, là thiếu sót của bị cáo. Về tội “tham ô”, bị cáo tiếp tục kêu oan.
Bị cáo Mai Văn Khang nhất trí với lời bào chữa của luật sư, đồng thời cho rằng, bản án sơ thẩm và phần luận tội của VKS chưa đưa ra bằng chứng cụ thể để định tội, không nêu được động cơ phạm tội, bị cáo không đủ điều kiện để phạm tội. Bị cáo Lê Văn Dương xin nói thêm về biên bản giám định kỹ thuật đã thể hiện đúng thực trạng kỹ thuật, chỉ có báo cáo của đoàn khảo sát mới bị thay đổi. Bị cáo Trần Hải Sơn không có thêm ý kiến. Bị cáo Huỳnh Hữu Đức cho rằng không phạm tội “cố ý làm trái”. Các bị cáo Triện, Lừng không bổ sung gì.
14h35': Đại diện VKS bắt đầu tranh luận tại tòa. Đại diện VKS một lần nữa khẳng định đã trình bày rất cụ thể về việc quy kết, định tội đối với hành vi phạm tội của các bị cáo tại phần kết luận của VKS trước tòa. Về đề nghị của các luật sư đề nghị huy bản án sơ thẩm về tội “tham ô” do cần nhân chứng là đối tác nước ngoài, VKS cho rằng không cần thiết vì việc chuyển tiền là có thật, hành vi vi phạm là có thật. Về tội “cố ý làm trái”, có nhiều quan điểm cần cân nhắc. Song, VKS cho rằng, việc đánh giá mức bồi thường của các bị cáo nằm trong con số không đổi (hơn 366 tỷ đồng). Việc bồi thường dân sự trong hình sự cũng không cần đơn yêu cầu bồi thường của nguyên đơn dân sự.
Về việc quá trình giải ngân của ngân hàng có đúng hay không, VKS cho rằng không phụ thuộc vào đánh giá của chính ngân hàng mà phải căn cứ vào pháp luật. Việc chuyển tiền này, theo đánh giá của cơ quan thẩm định, là trái với Luật Thương mại. Về định giá thiệt hại, dù trước đó các luật sư cho rằng chưa đánh giá hết, VKS cho rằng kết luận giám định cho biết thiệt hại được đánh giá trên cơ sở đã trừ các khoản thực tế còn lại. Nếu tính tổng thiệt hại chung là hơn 500 tỷ đồng, sau khi trừ đi các khoản còn lại (như giá trị ụ nổi là 37 tỷ) mới còn lại hơn 366 tỷ đồng…
Về việc xác định 83M là ụ nổi hay tàu, VKS đã căn cứ vào nhiều văn bản pháp luật (Đ11 Luật Hàng hải, hồ sơ của 83M, hợp đồng mua bán…) nên việc quản lý 83M phải được hiểu như tàu biển. Vì vậy, đại diện VKS xác định xác định hành vi phạm tội là như với tàu biển. Cũng về việc “định danh” 83M, VKS cho rằng việc căn cứ vào công ước quốc tế về định danh hàng hóa để kết luận 83M là ụ nổi là chưa đủ mà còn phải căn cứ trên các qui định pháp luật khác và phải vận dụng đầy đủ để xác định hành vi phạm tội của các bị cáo.
Vinalines là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, là tiền của nhân dân. Tiền thất thoát trong vụ án là tiền nhà nước nên quá trình thực hiện các hợp đồng, tổ chức đấu thầu phải tuân thủ qui định quản lý vốn nhà nước. Tóm lại, VKS giữ nguyên quan điểm luận tội với các bị cáo.
15h00’: Tranh luận với đại diện VKS, luật sư Ngô Ngọc Thủy của Dương Chí Dũng đề nghị làm rõ 1,66 triệu USD có phải là tài sản của Vinalines để xác định tội “tham ô”; ai là người chỉ đạo chuyển tiền về tài khoảng của Công ty em gái Trần Hải Sơn; những ai thỏa thuận vê số tiền 1,66 triệu USD; đánh giá thế nào về “bản tuyên thệ” của Goh Hoon Seow. Đối đáp, đại diện VKS cho rằng về mặt pháp luật, trách nhiệm đối với toàn bộ tài sản của Vinalines thuộc về Dương Chí Dũng. Theo tài liệu điều tra cũng như lời của Goh, khoản 1,66 triệu USD được trích trả từ khoản hơn 9 triệu USD của Vinalines. Khoản hơn 9 triệu USD được trích từ khoản vay ngân hàng có ký quĩ bằng tài sản của Vinalines. VKS cho rằng quá trình điều tra cho thấy, các bị cáo thực hiện hành vi một cách khép kín, không ai khác tham gia để tố cáo, các bị cáo không tự thú. Đây là đặc điểm khiến khó khăn trong việc xác định ai chỉ đạo, bàn bạc. Bị cáo Dũng, Phúc không thừa nhận. Quá trình điều tra đã đánh giá khách quan lời khai của Sơn, đặc điểm khác… cơ quan điều tra lời khai của Sơn là có căn cứ.
Về “lời tuyên thệ” của Goh Hoon Seow, đại diện VKS cho rằng tài liệu này cho thấy, Goh quen biết từ trước với Dương Chí Dũng. Tài liệu này cũng cho thấy, Goh thừa nhận trước đó Vinalines đã khảo sát trước khi nhờ đến AP. Từ việc có sự tham gia môi giới của AP nên có thêm khoản chênh lệch hơn 4 triệu USD. Số tiền 1,66 được cho là để hoàn tất thủ tục xuất nhập khẩu, dù không được nêu ra trong hợp đồng mua bán.
Luật sư Trần Đình Triển của Dương Chí Dũng tiếp tục đòi hỏi phải có chứng cứ từ phía chủ sở hữu ụ nổi (Công ty của LB Nga) bởi việc điều tra chưa thể hiện rõ mức độ liên quan của nhiều đối tượng khác trong việc chuyển 1,66 triệu USD về cho Trần Hải Sơn. Luật sư đề nghị tranh luận về: chứng cứ việc Dũng, Phúc chỉ đạo “mua bằng được” ụ nổi; chứng cứ về việc đoàn khảo sát làm việc với chủ sở hữu ụ nổi, biết giá trước, chứng cứ việc Goh nhờ Dũng trong thương vụ mua ụ nổi... Luật sư của bị cáo Mai Văn Phúc cũng đề nghị làm sáng tỏ ai là người đàm phán để có số tiền 1,66 triệu USD, vì sao chuyển về Công ty em gái Trần Hải Sơn. Luật sư của Mai Văn Khang đề nghị VKS làm rõ một số tài liệu không có trong hồ sơ vụ án, như báo cáo giám định độc lập về ụ nổi. Điều này có thể làm rõ được mức độ liên quan của bị cáo… Luật sự của nhóm bị cáo nguyên cán bộ Hải quan cho rằng, đại diện VKS chưa làm rõ được quan điểm định danh ụ nổi 83M. Vợ của bị cáo Dũng giữ nguyên kháng cáo về việc kê biên tài sản. Ngược lại, vợ bị cáo Phúc cho rằng sẵn sàng khắc phục bằng mọi cách để “cứu” chồng.
16h25’: Đại diện VKS tiếp tục tranh luận. Về vấn đề mâu thuẫn “không đội trời chung” giữa 2 bị cáo Dũng - Phúc, đại diện VKS cho rằng không nắm được, không kết luận, đánh giá. Về công văn cho phép chỉ định thầu, VKS nêu quan điểm là việc chỉ định thầu vấn phải đáp ứng các yêu cầu khác của pháp luật. Tại tòa, các bị cáo đều đã nhân trách nhiệm về tội “cố ý làm trái”. Về tội “tham ô”, đại diện VKS thừa nhận lời khai của Trần Hải Sơn có mâu thuẫn, sẽ tiếp tục đánh giá.
Đại diện VKS giữ quan điểm rằng dự án của Vinalines chưa được cho phép triển khai, các bị cáo Dũng, Phúc, Chiều phải chịu trách nhiệm. Việc thanh toán tiền mua ụ nổi đúng là còn sai phạm. Việc khảo sát rõ ràng có sai sót. Việc thông quan có thiếu sót. Chuỗi các hành vi này đã dẫn đến thiệt hại. Các bị cáo đều có vị trí nhà nước, thi thành công vụ, không thể nói là không biết. VKS bảo vệ quan điểm luận tội các bị cáo phạm tội “cố ý làm trái”.
Về tội “tham ô”, phải bằng một tập hợp các căn cứ để xác định tội, bước đầu là hành vi “cố ý làm trái”. Sau khi chuyển đủ tiền mua ụ nổi, 5 ngày sau 1,66 triệu USD được chuyển ngược lại, từ số tiền hơn 9 triệu USD thanh toán. Số tiền này được Trần Hải Sơn khai đã chuyển tiền cho Dũng, Phúc, Chiều, theo chỉ đạo của Dũng. Căn cứ vào những tài liệu khác, đại diện VFKS cho rằng việc chỉ đạo là có, nhưng các bị cáo không thừa nhận. Việc mâu thuẫn trong lời khai về ngày tháng đưa tiền là do thời gian diễn ra dài, hành vi lén lút nên có thể dẫn đến những mâu thuẫn trong lời khai. Số tiền chuyển về, Sơn, Chiều đã được hưởng thì liệu Dũng, Phúc lại không có?.. Vì vậy, đại diện VKS bày tỏ có đủ căn cứ, niềm tin vào lời khai của bị cáo Sơn nên giữ nguyên quan điểm luận tội về tội “tham ô”.
16h50’: Trước khi nghỉ để nghị án, tòa đã cho các bị cáo nói lời sau cùng. Bị cáo Dương Chí Dũng tiếp tục không nhận tội “tham ô”, mong được giảm án để được sống, chờ ngày nào đó được minh oan. Nói về truyền thống gia đình cách mạng, nhất là bố mẹ mình, bố mẹ vợ, bị cáo Dũng cho rằng đã rất thành khẩn, ăn năn, sẽ vận động gia đình khắc phục. Bị cáo cảm ơn và xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Bị cáo Mai Văn Phúc mong HĐXX khách quan, xem xét giúp vì bị cáo bị oan.
Bị cáo Trần Hải Sơn cho rằng lời khai của mình về việc chuyển tiền cho Dũng, Phúc là đúng. Bị cáo đã nhận được sai phạm của mình, mong gia đình, người thân khắc phục hộ bị cáo phần nào hậu quả, nhưng cũng mong HĐXX cá thể hóa vai trò của bị cáo để xét xử đúng người đúng tội. Mong HĐXX không có mức án từ hình với Dũng, Phúc.
Trần Hữu Chiều đề nghị HĐXX xem xét hành vi “tham ô” để minh oan, xem xét giảm bồi thường.
Bị cáo Mai Văn Khang cho rằng chỉ vì một chữ ký nháy mà phải đứng trước vành móng ngựa là rất đau buồn. Gia đình bị cáo và bị cáo có nhiều đống góp. Bị cáo tuổi cáo, có bệnh, có mẹ già, con nhỏ, mong HĐXX giảm án hình sự, giảm trách nhiệm dân sự.
Bị cáo Huỳnh Hữu Đức đề nghị HĐXX xem xét giảm mức án, giảm mức bồi thường vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Bị cáo Lê Ngọc Triện mong giảm nhẹ mức án.
Lê Văn Dương bày tỏ sự ăn năn, vì phạm tội lần đấu, không có mục đích trục lợi, mong HĐXX cho hưởng lượng khoan hồng.
Bị cáo Lê Văn Lừng cũng trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, xin được giảm nhẹ hình phạt.
Dự kiến 14h ngày 25-4, Tòa sẽ tuyên án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.