Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng vì hám lợi

Đình Hiệp| 20/10/2017 07:01

(HNM) - Bán hàng đa cấp là phương pháp kinh doanh phổ biến tại nhiều nước nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng được hệ thống đại lý gắn kết, bán hàng hiệu quả và giảm chi phí quảng cáo...

Để quản lý và siết chặt hoạt động kinh doanh mang tính đặc thù này, Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14-5-2014 của Chính phủ và Thông tư số 24/2014/TT-BCT ngày 30-7-2014 của Bộ Công Thương đã quy định rất cụ thể, chi tiết. Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp còn chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan thuế, quản lý thị trường, công an… Song, trên thực tế vẫn có một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để huy động vốn nhằm thu lợi bất chính cũng như thực hiện các hành vi vi phạm mới, để lại những hậu quả về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến an ninh - trật tự.

Vậy, vì sao hoạt động kinh doanh đa cấp liên tục biến tướng phức tạp như vậy, trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết là do việc kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng chưa thường xuyên, thiếu thống nhất, khiến một số doanh nghiệp với mục đích lừa đảo có “đất” phát triển. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp “lách luật”, không thành lập văn phòng đại diện, hoặc chi nhánh và không cung cấp thông tin cụ thể về tên người liên hệ của doanh nghiệp tại địa phương, cho nên các cơ quan chức năng rất khó theo dõi, quản lý. Do nhân viên kinh doanh đa cấp gồm nhiều đối tượng, nhiều thành phần, bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng ở mọi nơi, mọi thời điểm nên ngành chức năng khó kiểm soát.

Để người dân nhận thức rõ về các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp cũng như các dấu hiệu vi phạm, mới đây Sở Công Thương Hà Nội đã phát hành cuốn “Sổ tay nâng cao nhận thức về hoạt động bán hàng đa cấp”. Với 21 câu hỏi, sổ tay cung cấp cho người dân những thông tin hữu ích để tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính. Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 42, với nhiều điều khoản chi tiết, không chỉ nhằm siết chặt quản lý bán hàng đa cấp mà còn bảo vệ quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp.

Kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh không mới ở Việt Nam, và có tác dụng không nhỏ trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, nó cũng luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định cho môi trường kinh doanh cũng như thiệt hại về kinh tế cho người tham gia. Vì thế, bên cạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý bán hàng đa cấp, việc “siết chặt” hoạt động này bằng cách xử lý và rút giấy phép của các doanh nghiệp đa cấp chưa đủ điều kiện hoạt động là hết sức cần thiết.

Nhìn rộng hơn, để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp, các cơ quan chức năng cần sớm khắc phục những hạn chế nêu trên, tham mưu bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ: Đơn vị kinh doanh đa cấp muốn hoạt động tại các địa phương phải có trụ sở chi nhánh, hoặc văn phòng đại diện, có người đại diện, điện thoại cụ thể để ngành chức năng địa phương có cơ sở theo dõi, cập nhật thông tin và kịp thời chấn chỉnh những sai phạm của doanh nghiệp, nhân viên.

Về phía các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để tránh bị lôi kéo, “sập bẫy lừa đảo”. Các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, thanh - kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp; có phương án bảo vệ an toàn cho người tố cáo các đơn vị kinh doanh đa cấp có biểu hiện lừa đảo. Đồng thời, người dân cần thận trọng, cảnh giác với các biến tướng của loại hình kinh doanh đa cấp, tránh bị lừa đảo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đừng vì hám lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.