An toàn thực phẩm

Hà Nội tăng cường kiểm tra nguồn gốc bánh Trung thu

Xuân Lộc 05/09/2023 - 07:20

Thị trường bánh Trung thu đang dần sôi động với đa dạng chủng loại, mẫu mã, từ bình dân đến cao cấp để phục vụ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn, còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường những loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ. Thời điểm này, các cơ quan chức năng của Hà Nội đang tăng cường kiểm tra nguồn gốc, chất lượng bánh trung thu.

kiem-tra.jpg
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra chất lượng bánh trung thu tại khách sạn Hà Nội. Ảnh: Thu Trang

Cao điểm kiểm tra thị trường

Thực hiện Kế hoạch số 218/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu, từ ngày 28-8 đến 5-10, các đoàn kiểm tra sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Riêng Sở Y tế Hà Nội, dịp này cũng thành lập 2 đoàn kiểm tra và đã kiểm tra được khoảng 60% các cơ sở sản xuất do ngành quản lý.

Qua kiểm tra, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, bên cạnh việc kiểm tra quy trình sản xuất, chế biến, cơ quan chức năng tập trung đi sâu vào làm rõ nguồn gốc của nguyên liệu đưa vào sản xuất bánh trung thu.

Đối với các loại bánh trung thu được sản xuất tại các khách sạn, nguồn gốc nguyên liệu chủ yếu là được nhập khẩu và đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng vẫn phát hiện một số tồn tại của các khách sạn khi sản xuất bánh trung thu.

Cụ thể, mới đây, qua kiểm tra quy trình sản xuất bánh trung thu tại khách sạn Hà Nội, đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố đã phải nhắc nhở nhân viên nơi đây cần tăng cường khâu vệ sinh dụng cụ chế biến, đồng thời, phải bảo đảm các hộp bánh thành phẩm được để cách tường kho từ 10 đến 20cm. Mặt khác, đoàn kiểm tra cũng lưu ý, kho đóng gói bánh trung thu của cơ sở này còn thiếu giá kệ cần phải bổ sung.

Còn tại khách sạn Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu bổ sung ngày sản xuất trên nhãn sản phẩm theo đúng quy định…

Thời điểm này, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường Tết Trung thu 2023. Kết quả, cơ quan này liên tiếp phát hiện các vụ kinh doanh bánh trung thu có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.

Đơn cử như ngày 29-8, đoàn kiểm tra liên ngành, bao gồm: Đội Quản lý thị trường số 24 và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy - Công an huyện Hoài Đức đã tổ chức kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh chế biến nông sản Gia Hưng, phát hiện và tạm thu giữ gần 2.000 chiếc bánh trung thu có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.

Đến ngày 31-8, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng kiểm tra một điểm tập kết hàng hóa và phát hiện 960 chiếc bánh trung thu nhân trứng chảy (có tên: MX Lava Custard Mooncake) do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, chất lượng...

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, cũng như nhiều loại bánh khác, bánh trung thu sẽ được người sản xuất sử dụng các loại chất phụ gia, phẩm màu. Nếu người sản xuất bánh sử dụng phẩm màu thực phẩm được Bộ Y tế cho phép thì bảo đảm an toàn cho sức khỏe. Nhưng nếu không may ăn phải những loại bánh sử dụng chất phụ gia, tạo màu không được phép sử dụng trong thực phẩm sẽ vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe. Do đó, bất cứ loại bánh nào cũng cần phải công khai nguồn gốc, xuất xứ và nguyên liệu thành phần.

Lựa chọn, bảo quản bánh trung thu đúng cách

Trước thực tế trên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng về cách lựa chọn và sử dụng bánh trung thu.

Cụ thể, người tiêu dùng nên chọn mua bánh tại những cửa hàng uy tín, có trang thiết bị che đậy cẩn thận. Sản phẩm phải có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng. Khi mua bánh, người tiêu dùng nên tìm hiểu cách sử dụng cảm quan để đánh giá, chẳng hạn quan sát sản phẩm không bị biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, mốc và có mùi khác lạ.

“Người dân tuyệt đối không mua các loại bánh trung thu “siêu rẻ” hay giảm giá trên mạng mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay những sản phẩm trôi nổi, hàng lậu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần bảo quản, sử dụng bánh theo hướng dẫn ghi trên bao bì của sản phẩm và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất”, ông Đặng Thanh Phong lưu ý.

Đề cập đến việc lựa chọn và bảo quản bánh trung thu đúng cách, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, về cảm quan, loại bánh nướng ngon, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không bị vụn.

Còn với loại bánh dẻo mới làm có bề mặt mịn, trơn, không có nấm mốc xung quanh. Nếu bánh dẻo mà bị mốc, hỏng thì màu bột sẽ biến đổi. Người tiêu dùng nên mua bánh ở các cơ sở có uy tín, đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng và phải xem xét kỹ nhãn mác có ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng đưa ra khuyến cáo, bánh trung thu hoàn toàn có thể bảo quản được trong tủ lạnh. Tuy nhiên, không nên để bánh trong tủ lạnh quá lâu. Dù được bảo quản trong tủ lạnh, tránh được bị hư hỏng, nấm mốc, nhưng nếu để lâu, hàm lượng dinh dưỡng trong bánh sẽ bị giảm đi nhiều, không còn thơm ngon như bánh mới làm. Nếu bảo quản bánh trên ngăn đông thì trước đó nên bọc bánh trong một lớp giấy bạc. Cách làm này sẽ giúp bánh giữ được hương vị và chất lượng tốt nhất. Trước khi ăn, chỉ cần cho bánh xuống ngăn mát rã đông, sau đó cho bánh vào lò nướng và nướng lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tăng cường kiểm tra nguồn gốc bánh Trung thu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.