(HNM) - Tham nhũng là vấn nạn khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chống tham nhũng là công việc khó khăn, nguy hiểm đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Khi tham nhũng được xác định là quốc nạn, nếu không đẩy lùi thì sẽ mất lòng tin trong nhân dân.
Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, quyết sách thể hiện quyết tâm chống tham nhũng rất cao nhưng đà tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn, lòng tin của dân vào sự minh bạch, trong sạch của chính quyền vẫn chưa tăng lên như mong muốn.
Ngày 3-12, Tổ chức minh bạch thế giới (TI) đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2014 (CPI 2014) cho biết Việt Nam chỉ đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119/175 quốc gia trên bảng xếp hạng toàn cầu và 3 năm nay, vị trí này không thay đổi.
Còn theo báo cáo của Chính phủ về kết quả 5 năm đấu tranh phòng, chống tham nhũng (2007-2012), toàn ngành thanh tra và các cấp, các ngành đã kết thúc hơn 52.000 cuộc thanh tra, phát hiện nhiều thiếu sót, sai phạm, kiến nghị thu hồi trên 20.700 tỷ đồng và gần 3,8 triệu USD... Nhiều vụ án tham nhũng lớn được phát hiện, xử lý; đã có hơn 1.400 vụ với 3.100 bị can bị khởi tố, truy tố. Năm 2014, các cơ quan tố tụng phát hiện, khởi tố mới 256 vụ với 593 bị can tham nhũng (so với cùng kỳ năm trước tăng 23 vụ/25 bị can); hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 287 vụ án tham nhũng (bao gồm cả các vụ án khởi tố trước năm 2014) và đã kết tội 673 tội phạm tham nhũng, tăng 9 vụ, 91 bị cáo so với năm 2013. Như vậy là số vụ tham nhũng, số tài sản thất thoát phát hiện được từ các vụ tham nhũng không ngừng tăng lên nhưng hiệu quả phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu.
Gần đây, hàng loạt vụ án tham nhũng như Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như được đưa ra xét xử với mức phạt xứng đáng, rồi vụ việc liên quan đến nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền được phơi ra ánh sáng đã đem lại niềm tin cho người dân nhưng đòi hỏi của nhân dân là còn nhiều vụ việc khác cần được làm rõ. Không phải vỡ bình quý vì ném "chuột" mà chính những "con chuột" được tự do tung hoành đã làm vỡ bình quý.
Một vấn đề nữa là việc thu hồi tài sản qua các vụ tham nhũng còn chậm và thấp. Hiệu quả cuối cùng của chống tham nhũng là không để cho quan tham dựa vào quyền lực bòn vét, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, tức là của dân. Nghiêm trị tham nhũng nhưng không thu hồi hoặc thu hồi rất ít tài sản thất thoát do tham nhũng thì chỉ là chống tham nhũng nửa vời. Số liệu thống kê cho thấy chỉ tính riêng năm 2011, hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra khoảng 11.000 tỷ đồng đã được phát hiện, nhưng mới chỉ thu hồi khoảng 300 tỷ đồng, tương ứng với 2,6%, tức là còn tới 97,4% chưa và không thu hồi được. Đầu năm 2012, tình hình cũng không có nhiều chuyển biến khi con số kiến nghị thu hồi hơn 6.400 tỷ đồng nhưng thực tế mới thu về được 141 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hiện và thu hồi chênh nhau tới 46 lần. Năm 2013, theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, 18% số tài sản thất thoát đã được thu hồi và năm 2014, con số này là 23%, tuy tiến bộ hơn nhưng vẫn là rất thấp. Tất nhiên việc thi hành án rất khó khăn do những âm mưu, thủ đoạn của tham quan ngày càng tinh vi, do cơ chế còn sơ hở nhưng không thể bỏ qua sự nể nang, thậm chí là bè cánh. Rút kinh nghiệm của nhiều nước, cần mạnh tay hơn nữa vì có chính nghĩa và chống tham nhũng mang lại hiệu quả thiết thực sẽ được dân tin, dân ủng hộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.