(HNM) - Sự cố rò rỉ tại đập chính Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My, Quảng Nam) đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong gần hai tuần qua.
Thủ tướng Chính phủ đã cử đoàn khảo sát gồm Hội đồng Nhà nước các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực (EVN) và một số cơ quan có trách nhiệm thẩm tra tại chỗ. Sau ít ngày làm việc khẩn trương, kết luận của Đoàn cơ bản là: Công trình có lỗi từ khâu thiết kế, thi công, giám sát đến khâu khai thác vận hành, nhưng vẫn an toàn và có thể sửa chữa được.
Theo kết luận của Đoàn khảo sát liên ngành, nghĩa là đã có sai sót ở tất cả các khâu từ khi có ý đồ xây dựng tới khi hoàn thành đưa vào vận hành đến nay. Những sai sót này đã được Đoàn khảo sát biết, nghĩa là Nhà nước đã biết, điều đó bước đầu có thể làm yên tâm. Nhưng kinh nghiệm cho hay trong nhiều việc quyết tâm của cấp trên chưa hẳn đã trở thành quyết tâm của cấp dưới cho nên yên tâm mới chỉ là một phần. Người ta nghi ngờ việc đánh giá về độ an toàn của công trình, nghi ngờ về cách "chữa trị" có vẻ quấy quá, cốt để yên lòng dân như khoan lỗ rồi nhét giẻ, phun phụ gia, xi măng đông kết nhanh vào các khe nứt… Cách đó, bên ngoài thấy nước không phun ra cao hàng mét nữa, lượng nước rò rỉ nhìn thấy được cũng không còn 30 lít/giây nữa. Nhưng thực ra, từ bên trong thân đập, dòng nước rò rỉ rất mạnh đó vẫn không thay đổi, bây giờ tạm an toàn nhưng ai biết vài tháng, hay vài năm nữa sẽ không có gì bảo đảm đập không vỡ, hàng trăm triệu mét khối nước sẽ cào bằng vùng hạ lưu, kể cả thị trấn Bắc Trà My cách đó chưa đầy chục kilômét. Lúc đó, những người cho rằng đó là mức rò rỉ cho phép do khe giãn hoặc khe nhiệt gì đó; những người chủ trương "bịt lỗ rò" bằng xi măng đông nhanh phía hạ lưu ở đâu? Họ có trách nhiệm gì không trước thảm họa và nếu có thì có cách gì có thể trả được ngoại trừ bị lương tâm cắn rứt và… sẵn sàng đi tù suốt đời?
Cho nên, hãy lắng nghe động tĩnh công trình từ phía lòng dân. Trước hết, phải thông tin, giải thích, vận động quần chúng để bà con yên tâm, không gây xáo trộn cuộc sống hiện tại. Muốn người dân yên tâm, tin tưởng cần phải nói thật. Càng thật, dân càng tin và khi dân đã tin thì việc khó mấy cũng làm được. Đồng thời với việc đó, phải xử lý sự cố thân đập chính Thủy điện Sông Tranh 2 một cách căn bản, vĩnh cửu bằng cách gia cố thân đập từ mặt tiếp giáp với hồ, tức từ phía thượng lưu, không qua loa, xử lý bên ngoài chiếu lệ như hiện nay.
Việc quan trọng hơn là rút kinh nghiệm từ Sông Tranh 2, tiến hành tổng kiểm tra chất lượng thiết kế, thi công, giám sát, vận hành các nhà máy thủy điện, các hồ thủy điện và thủy lợi trong cả nước về tất cả các mặt để có tư liệu phục vụ cho các kế hoạch lâu dài. Không ngại có sai miễn là dám vạch ra cái sai để sửa sai. Đó cũng là một việc làm thiết thực hưởng ứng đợt học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và các cuộc vận động lớn hiện nay.
Tiến hành tập huấn, thực tập việc đối phó với các tình huống xấu cho dân ở các vùng hạ lưu đập thủy điện từ chống khô hạn, mở cửa đáy lấy nước nông nghiệp, xả lũ trong mùa mưa đến vỡ đập. Vỡ đập là điều không ai mong muốn nhưng nó vẫn có thể xảy ra và đã xảy ra ở ngay những nước phát triển. Bởi vậy, đề phòng vỡ đập là điều tất nhiên, cần phải có phương án sớm và người dân được thông tin đầy đủ về khả năng này.
Đương nhiên việc khai thác thiên nhiên là có lợi, song phải luôn có phương án đề phòng những mặt tiêu cực nó mang theo. Thủy điện cũng vậy. Vấn đề là vững lòng duy trì thủy điện và sẵn sàng ứng phó với những tiêu cực thủy điện có thể gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.