(HNM) - Sau gần 3 năm thực hiện cuộc vận động
Nỗ lực vì đồng bào biên giới
Cán bộ Đồn Biên phòng 23 Bình Liêu đến thăm gia đình chị Dẩu sau một năm dọn vào nhà mới.
Thực hiện chủ trương của BTL BĐBP, CBCS toàn lực lượng phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đã xây dựng được gần 4.000 căn nhà (mục tiêu ban đầu là 1.000 căn). Trung bình mỗi căn nhà có giá từ 25 đến 35 triệu đồng (gồm cả nguồn kinh phí, vật tư đóng góp và ngày công lao động của bộ đội, nhân dân). Tổng kinh phí xây nhà khoảng 130 tỷ đồng. Ngoài ra các đơn vị, địa phương còn xây dựng 150 công trình dân sinh (trạm y tế quân dân y kết hợp, trường học, nhà văn hóa cộng đồng, cầu, đường giao thông, thủy điện nhỏ và mô hình sản xuất...) với tổng kinh phí 22,5 tỷ đồng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2, Ban Chỉ đạo lồng ghép cuộc vận động với triển khai đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người La Hủ ở bản Hà Xi, xã Pa Ủ; bản Là Si, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, Lai Châu và tộc người Đan Lai ở bản Búng, bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An được các cấp, các ngành đánh giá cao.
Để có một ngôi nhà chất lượng tốt với nguồn kinh phí xây dựng không lớn, trong điều kiện đường sá đi lại khó khăn, BĐBP nhiều tỉnh đã quyết tâm chỉ dùng tiền cấp trên và tiền do các doanh nghiệp (DN), các cơ quan, ban, ngành ủng hộ để mua nguyên vật liệu, còn công làm nhà, vận chuyển vật tư do CBCS Biên phòng đảm nhiệm và huy động gia đình được làm nhà, bà con dân bản, dòng họ cùng đóng góp công sức tiền của. Chia sẻ về thành công của cuộc vận động, Trung tướng Võ Trọng Việt, Chính ủy BTL BĐBP khẳng định: "Đây là một sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành địa phương và sự ủng hộ của các DN cùng chung tay đưa bà con nơi biên giới hải đảo thoát nghèo. Nghĩa cử này còn là sự tri ân của nhân dân cả nước hướng về đồng bào biên giới đang ngày đêm sát cánh cùng BĐBP canh giữ biên cương của Tổ quốc".
Đổi thay cuộc sống
Để có được kết quả to lớn từ cuộc vận động, Đảng ủy, BTL BĐBP đã chỉ đạo CBCS các đơn vị thực hiện tốt phương châm "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc). Các đơn vị lựa chọn những CBCS là người dân tộc thiểu số phối hợp với các cơ quan chuyên môn của các huyện, xã biên giới tăng cường phổ cập giáo dục, giúp đồng bào học chữ, để tiếp thu kiến thức khoa học, phục vụ cho đời sống và sản xuất. BĐBP còn trực tiếp hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biên giới.
Theo chân cán bộ Đồn Biên phòng 23 (Bình Liêu, Quảng Ninh), chúng tôi đến thăm gia đình chị Phồn Pẩu Dẩu, 46 tuổi, người Sán Dìu ở bản Phai Lầu, xã Đồng Văn. Gia đình chị là một trong số 11/64 hộ của bản được xây nhà đại đoàn kết. Một năm sau khi dọn vào nhà mới, cuộc sống của hai vợ chồng cùng 5 người con đã có nhiều thay đổi. Căn lều tạm ẩm thấp, dột nát trước đây giờ đã được thay thế bằng ngôi nhà mới khang trang, vững chắc. Có nhà mới, gia đình chị càng có điều kiện để phát triển kinh tế. Mảnh đất trước kia của gia đình chị nay đã trở thành "Điểm Trường Tiểu học Phai Lầu" với 53 học sinh, kể cả học sinh mẫu giáo. Trưởng bản Tằng Văn Phúc cho biết: "Mỗi bản đều có một điểm trường như vậy và hầu hết đều được xây dựng trên đất của các hộ gia đình được xây nhà đại đoàn kết nhường lại".
Gia đình chị Dẩu chỉ là một trong số hàng ngàn hộ nghèo được nhận nhà đại đoàn kết. Họ bày tỏ niềm xúc động, lòng cảm ơn tới những người lính mang quân hàm xanh. Có nhà để ở, người nghèo có điều kiện ổn định cuộc sống và tích cực tham gia công tác xã hội. Trong quá trình làm nhà, CBCS Biên phòng đã kết hợp với tuyên truyền, xây dựng tập quán sinh hoạt mới cho bà con, xóa bỏ những tập tục lạc hậu trước kia như không có nhà vệ sinh, nuôi lợn, trâu bò ngay dưới sàn nhà hoặc sát cạnh nhà… đồng thời làm thay đổi tư duy, nhận thức về phương thức sản xuất cho bà con. Ở huyện Bình Liêu, CBCS BĐBP còn phấn đấu trở thành một tấm gương làm kinh tế giỏi. Điển hình là anh Trương Hồng Quân, cán bộ tăng cường xã Lục Hồn. Anh đã đưa giống ngô mới lên trồng ở bản Ngàn Cầm, sau đó được bà con dân tộc ở Hoành Bồ nhân rộng. Nhờ trồng ngô, nhiều gia đình có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm như ông Duy Quang Phú, thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm; ông Lương Vương, thôn Nà Phạ 2, xã Tình Húc...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.