(HNM) - Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đang được các cấp, ngành thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc, nhiều nơi đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Nhưng trong quá trình thực hiện cũng nảy sinh không ít vấn đề cần giải quyết...
Thực tế cho thấy, hiện ở một số cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, do một số công việc mới được giao hoặc số lượng công việc tăng lên với áp lực và yêu cầu chất lượng cao hơn, nhất là ở những địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh, đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt hoặc nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu do những vấn đề lịch sử để lại. Trong khi đó, giám sát của HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, việc hướng dẫn tổ chức thi tuyển viên chức, công chức trên địa bàn thành phố còn chậm. Từ những vấn đề này nên một số cơ quan, đơn vị đã phải tuyển dụng lao động theo hình thức hợp đồng để đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, thực tế này đã, đang đặt ra nhiều vấn đề đáng phải suy nghĩ, mà rõ nhất là quyền lợi của người lao động phần nào sẽ bị ảnh hưởng.
Một vấn đề đặt ra nữa là vẫn có đơn vị chưa được phê duyệt đề án vị trí việc làm, dẫn tới việc chưa bố trí được lao động đúng với khung năng lực, vị trí việc làm; đồng thời gây khó khăn trong việc xác định số lượng cán bộ, công chức, viên chức cần phải có để đáp ứng yêu cầu công việc. Đáng nói hơn là vẫn còn tình trạng "ngồi nhầm chỗ", "làm nhầm việc", đó là việc sử dụng viên chức thực hiện nhiệm vụ của công chức.
Giải bài toán trên đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, việc phải làm ngay là các cơ quan, đơn vị cần đánh giá, rà soát định biên, số lao động hợp đồng (nếu có) để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tuyển dụng công chức, viên chức phù hợp yêu cầu công việc, vị trí việc làm đã được phê duyệt.
Đặc biệt, các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bởi, cùng với việc tinh giản biên chế một cách chính xác, thuyết phục (trường hợp không đáp ứng yêu cầu công việc...), các cơ quan, đơn vị sẽ xác định được số lượng người cần giữ lại làm việc lâu dài; đồng thời có điều kiện để sắp xếp, kiện toàn được đội ngũ cán bộ có năng lực, theo đúng yêu cầu công việc. Vấn đề lưu ý là quá trình thực hiện cần phù hợp với thực tế từng ngành, địa phương, nhiệm vụ được giao và đặc biệt là phải thu hút được người có đức, có tài, trách nhiệm cao với công việc.
Cùng với đó, việc xây dựng (đối với cơ quan, đơn vị chưa được phê duyệt) và thực hiện đề án vị trí việc làm phải trên cơ sở tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đúng người, đúng việc, tránh “phình” bộ máy, tăng biên chế. Công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cũng phải thực hiện nghiêm theo các quy định và bảo đảm đúng, khách quan, công bằng, công khai về kết quả thực thi nhiệm vụ. Trong đó phải khắc phục cho được tình trạng cào bằng, nể nang trong đánh giá, cùng tâm lý vào Nhà nước là yên tâm trọn đời trong biên chế. Việc sử dụng đúng người, đúng việc, đánh giá đúng năng lực của người lao động, viên chức, công chức, "có vào, có ra" sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy nâng cao hiệu quả công việc.
Đó cũng chính là mục tiêu mà việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nhắm tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.